Sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm các nguyên liệu thô quan trọng sẽ mở ra những triển vọng mới và có thể tăng đáng kể hiệu quả chi phí cũng như tốc độ tìm kiếm.
Công ty khởi nghiệp Atomionics có trụ sở tại Singapore lần đầu tiên triển khai quy mô thương mại công nghệ sử dụng trọng lực và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm xác định thân quặng, có khả năng cắt giảm chi phí và đẩy nhanh các dự án khoáng sản.
Giống như nhiều công nghệ thăm dò hiện tại, công ty này khai thác dấu hiệu trọng lực của các khoáng chất khác nhau để xác định chính xác vị trí của chúng bên dưới bề mặt trái đất.
Giờ đây, quy trình xác định thân quặng này có thể được thực hiện chính xác hơn khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu theo thời gian thực.
Hiện tại, mỗi lỗ khoan thăm dò khoáng sản có thể tiêu tốn từ 6.000 cho tới 33.000 USD. Trong khi đó, một mỏ lithium có thể cần tới 400 lỗ khoan để xác thực trữ lượng tài nguyên. Bởi vậy, việc sử dụng “mũi khoan ảo” có thể cắt giảm đáng kể chi phí.
Giám đốc điều hành Sahil Tapiawala cho biết Atomionics đã ký hợp đồng triển khai công nghệ “máy khoan ảo” có tên Gravio với ba công ty khai thác lớn vào đầu năm tới.
“Ngành công nghiệp năng lượng truyền thống thường dựa vào dữ liệu địa chấn trước khi thực hiện bất kỳ dự án khoan nào”, Cameron Fink, Giám đốc thăm dò tại Bridgeport Energy, cho biết. “Với sự phát triển của công nghệ, Gravio có thể trở thành một giải pháp thay thế chi phí thấp cho các phương pháp thăm dò truyền thống này”.
Atomionics do tư nhân nắm giữ, song có sự hỗ trợ của một số cơ quan chính phủ và nhà đầu tư chiến lược trụ sở tại Singapore, bao gồm cả người đồng sáng lập Open AI Pamela Vagata và giám đốc điều hành công nghệ khí hậu Mikhail Zeldovich của Trafigura.
Ngành khai thác mỏ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tìm khoáng sản, bao gồm cả radar xuyên đất và khảo sát từ trường, nhưng không có phương pháp nào đảm bảo thành công tuyệt đối.
KoBold Metals, một công ty khởi nghiệp khác có trụ sở tại California được hậu thuẫn bởi các tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos, cũng đang sử dụng AI để tìm kiếm các kim loại quan trọng như lithium.
Trung Quốc đang là một trong những nước tiên phong sử dụng AI trong việc tìm kiếm, khai thác tài nguyên khoáng sản. Theo SCMP, Bắc Kinh đã triển khai một dự án thăm dò mỏ đất hiếm ở vỉa địa chất dài hơn 1.000 km trên dãy Himalaya.
Không chỉ vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Carnegie tại Washington cho biết công nghệ còn có thể giúp phát hiện nguyên liệu thô trong không gian.
Nhật báo Tagesspiegel của Đức lưu ý rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm các nguyên liệu thô quan trọng sẽ mở ra những triển vọng mới và “có thể tăng đáng kể hiệu quả chi phí cũng như tốc độ tìm kiếm”.