Meta ra mắt các sản phẩm tích hợp AI cho người tiêu dùng, bao gồm chatbot tạo hình ảnh, kính thông minh có thể trả lời câu hỏi, cũng như thiết bị đeo thực tế ảo (VR) nâng cấp.
CEO Mark Zuckerberg mô tả những sản phẩm này là sự kết hợp giữa thế giới ảo và thực, nhấn mạnh đây là một phần trong nỗ lực của Meta đưa những sản phẩm tích hợp AI với chi phí thấp hoặc hoàn toàn miễn phí vào tác vụ hằng ngày của người dùng.
Tại sự kiện Meta Connect ra mắt sản phẩm mới ngày 27/9, Zuckerberg cho biết thế hệ kính thông minh Ray-Ban mới sẽ bắt đầu xuất xưởng vào ngày 17/10, với giá 299 USD.
Thiết bị đeo này sẽ được tích hợp trợ lý AI do Meta phát triển, có khả năng phát trực tiếp (streaming) những gì người đeo đang thấy lên trên Facebook và Instagram, một tiến bộ đáng kể so với tính năng chụp ảnh của phiên bản tiền nhiệm.
Trong khi đó, thiết bị đeo thực tế hỗn hợp Quest mới sẽ bắt đầu lên kệ vào ngày 10/10. Ngoài ra, công ty mẹ Facebook cũng giới thiệu chatbot Meta AI có khả năng tạo phản hồi văn bản và hình ảnh.
“Đôi khi chúng tôi phát minh ra một thứ gì đó chưa từng có trước đây. Và cũng có những lúc, công ty đổi mới những thứ đắt đỏ, biến chúng trở nên dễ tiếp cận với mọi người với chi phí phải chăng, hay thậm chí là miễn phí”, nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới phát biểu.
Trợ lý AI của Meta được phát triển dựa trên mô hình tuỳ chỉnh từ mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 đã được công ty phát hành thương mại vào tháng 7/2023. Zuckerberg cho biết chatbot này có khả năng truy cập thông tin thời gian thực, thông qua quan hệ đối tác với công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Nick Clegg, Chủ tịch vấn đề toàn cầu của Meta, nói với Reuters rằng công ty đã thực hiện các bước lọc chi tiết riêng tư khỏi dữ liệu đào tạo AI, cũng như đặt giới hạn những gì công cụ này có thể tạo ra, chẳng hạn như hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng.
Nền tảng tuỳ chỉnh AI
Meta cho biết họ đang xây dựng một nền tảng mà những nhà phát triển, cũng như người dùng bình thường, có thể sử dụng để tạo ra bot AI tuỳ chỉnh với hồ sơ trên Instagram và Facebook, trước khi xuất hiện dưới dạng “avatar” (hình đại diện) trong vũ trụ ảo metaverse.
Bob O’Donnell, trưởng bộ phận nghiên cứu tại TECHnalysis nhận định “Meta đang hướng tới tìm kiếm lợi nhuận gián tiếp từ AI, thay vì kiếm tiền trực tiếp từ sản phẩm”, khi công ty này “có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nền tảng chung mà các nhà phát triển khác sẽ sử dụng”.
Cũng trong sự kiện ngày 27/9, Zuckerberg cho biết trò chơi trên nền tảng đám mây Xbox sẽ xuất hiện trên các thiết bị đeo Quest từ tháng 12 tới đây.
Quest 3 do Meta sản xuất, tiếp nối dòng sản phẩm đeo VR bán chạy nhất của công ty đến thời điểm hiện tại, có giá khởi điểm 499 USD.
Sản phẩm này sở hữu công nghệ thực tế hỗn hợp tương tự như trên Quest Pro - phiên bản cao cấp được ra mắt từ năm ngoái, cho phép người đeo hiển thị nguồn cấp dữ liệu video về thế giới thực xung quanh họ, giảm tình trạng “đóng kín” và tăng mức độ thoải mái cho người dùng sử dụng trong thời gian dài.
(Theo Reuters, CNBC)
Meta ‘quay xe’, quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump
Úc áp dụng quy định mới, buộc Meta và Google phải trả tiền cho báo chí