Xã hội

Miền Bắc Việt Nam sẽ có thêm 5 cây cầu vượt sông, nằm trên cùng một tỉnh sắp 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương

Đại Dương 14/10/2024 10:26

Trong thời gian tới, địa phương này tiếp tục xây dựng thêm 5 cây cầu vượt sông, nhằm tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, xuyên suốt.

Hải Dương được biết đến là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc. Bên cạnh 14 con sông lớn, địa phương này còn có hàng chục sông nội đồng. Chính điều này cũng đã đặt ra áp lực và thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông bởi việc đầu tư những cây cầu bắc qua sông tương đối khó khăn, tốn kém.

Với việc xác định “giao thông đi trước mở đường”, trong những năm vừa qua, tỉnh Hải Dương đã luôn quan tâm phát triển hạ tầng giao thông rộng khắp, tạo sự kết nối liên vùng. Đặc biệt, nhiều cây cầu vượt sông đã và đang được đầu tư để thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương. Trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục xây dựng thêm 5 cây cầu vượt sông, nhằm tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, xuyên suốt.

Theo đó, Hải Dương sẽ đầu tư 600 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với Quốc lộ 5. Địa điểm thực hiện dự án này ở thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành (Hải Dương).

Việc đầu tư xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với Quốc lộ 5 là rất cần thiết để kết nối đồng bộ 2 công trình và tạo thành trục giao thông kết nối thị xã Kinh Môn với huyện Kim Thành và tỉnh Hải Dương với tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, góp phần giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn (đặc biệt đối với Quốc lộ 17B)

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2024_10_13-_04-7689_mlgw(1).jpg
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối Quốc lộ 18 (TP. Chí Linh). Ảnh minh họa

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVII, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối Quốc lộ 18 (TP. Chí Linh) cũng đã được thông qua với tổng kinh phí dự kiến 600 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Theo thiết kế, cầu Tân An dài 572,10m, hai đầu cầu thuộc xã Nam Tân (Nam Sách) và phường Chí Minh (TP. Chí Linh).

Việc đầu tư xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối Quốc lộ 18 (TP. Chí Linh) để kết nối với dự án xây dựng tuyến mới nối nút giao đường tỉnh 390 đến Quốc lộ 18, đoạn qua địa phận huyện Nam Sách nhằm từng bước hoàn thành trục giao thông kết nối liên vùng, nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 18 từ TP. Hải Dương qua cầu Hàn, qua huyện Nam Sách đến TP. Chí Linh.

HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, kỳ họp thứ 24 cũng đã ban hành Nghị quyết số 62/NQ - HĐND về quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn thuộc tuyến đường vành đai I (TP. Hải Dương), đoạn từ Đường tỉnh 391 đến Đường tỉnh 390C. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 1.228 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh Hải Dương. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương được giao làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2024 - 2027.

Dự án này được định hướng nhằm mở rộng không gian đô thị cũng như kết nối TP. Hải Dương với các địa bàn lân cận để cùng phát triển kinh tế - xã hội. Dự án cầu vượt sông Thái Bình cũng đã được đề cập trong Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Hải Dương cũng xây dựng cầu vượt sông Thái Bình thuộc dự án xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Hải Dương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-duongnhatlinh-2024_10_13-_hai-duong-tao-suc-bat-tu-nhung-cay-cau-vuot_hzqh.jpg
Phương án thiết kế cầu Vạn kết nối Quốc lộ 37, TP. Chí Linh với đường dẫn cầu Triều, thị xã Kinh Môn. Ảnh minh họa: Báo Hải Dương

UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Vạn kết nối quốc lộ 37 (TP. Chí Linh) với đường dẫn cầu Triều (Kinh Môn). Đây là một trong những dự án xây cầu nội tỉnh có số vốn đầu tư “khủng” nhất hiện nay với tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.296 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư.

Thời gian thực hiện giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Cầu Vạn được xây mới, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, rộng 12m, dài 894m.

Việc đầu tư thực hiện dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực theo quy hoạch, tạo thành trục giao thông kết nối đô thị Kinh Môn với đô thị Chí Linh, kết nối liên thông Quốc lộ 37 với đường tỉnh 389, đường tỉnh 389B hiện có và các tuyến đường quy hoạch như đường vành đai V - Vùng Thủ đô, trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương; từng bước hình thành tuyến giao thông kết nối các vùng huyện phía Đông Bắc của Hải Dương với các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng. Từ đó, tạo ra không gian phát triển liên vùng và điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Chí Linh, thị xã Kinh Môn nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Hải Dương, với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế và hạ tầng để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, Hải Dương là tỉnh duy nhất trong Vùng Thủ đô nhưng không giáp ranh với Hà Nội, tạo ra những thách thức và cơ hội phát triển riêng biệt.

>> Sắp có hai cây cầu hơn 35.000 tỷ đồng bắc qua con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam

Ngay tháng sau, Việt Nam sẽ hoàn thành cây cầu hơn 260 tỷ đồng bắc qua kênh đào gần 150 năm tuổi, 'yết hầu' của đất Chín Rồng

Việt Nam có cây cầu gây bão thế giới 1 thời vì thiết kế ‘có một không hai’: Tọa lạc ở độ cao hơn 1.400m, từng được vinh danh ‘kỳ quan mới của thế giới’

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/mien-bac-viet-nam-se-co-them-5-cay-cau-vuot-song-nam-tren-cung-mot-tinh-sap-cat-canh-len-tp-truc-thuoc-trung-uong-128149.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Miền Bắc Việt Nam sẽ có thêm 5 cây cầu vượt sông, nằm trên cùng một tỉnh sắp 'cất cánh' lên TP trực thuộc Trung ương
POWERED BY ONECMS & INTECH