Quốc tế

Mịt mù triển vọng hòa bình Trung Đông

PV 11/12/2023 - 11:24

Bức tranh địa chính trị Trung Đông trong năm 2023 phủ một màu tối khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, gây ra những tác động kinh tế nặng nề, khiến triển vọng hòa bình Israel-Palestine mờ mịt hơn bao giờ hết.

Mịt mù triển vọng hòa bình Trung Đông

Có thể nói vụ tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10 nhằm vào các khu dân cư gần biên giới Israel và các biện pháp quân sự đáp trả của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza đã gây ra thảm kịch tồi tệ nhất cho cả hai bên kể từ năm 1948.

Gần 2 tháng nổ ra xung đột, nhờ nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế, hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày (từ ngày 24/11), giúp 110 con tin Israel và người nước ngoài cùng 240 tù nhân Palestine được trả tự do.

Tuy nhiên, bạo lực đã tiếp diễn và có phần nghiêm trọng hơn ngay khi thỏa thuận này hết hiệu lực. Chỉ 2 ngày sau, Israel đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Gaza với lý do Hamas không đồng ý thả thêm con tin, biến ngày 5/12 trở thành ngày tấn công ác liệt nhất.

Các máy bay chiến đấu Israel đã oanh kích, đồng thời lực lượng bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào Dải Gaza, còn Hamas cũng tiếp tục phóng rocket và tên lửa về phía các thành phố của Israel.

Thống kê cho thấy kể từ khi xung đột bùng phát, khoảng 1.400 người tại Israel đã thiệt mạng, trong khi con số thương vong ở Gaza là hơn 17.000 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, hàng chục nghìn người bị thương, nhiều người mất tích. Các cuộc tấn công trên không, trên bộ và trên biển ngày càng gia tăng.

Giao tranh đã biến phần lớn khu vực phía Bắc Dải Gaza thành đống đổ nát, hơn 60% nhà cửa tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 1,8 triệu người trong tổng số 2,3 triệu dân phải sơ tán, hệ thống y tế tại đây tê liệt hoàn toàn và người dân sống trong cảnh thiếu nước, nhiên liệu và lương thực nghiêm trọng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Gaza.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích nhận định leo thang xung đột ở Gaza có nguy cơ châm ngòi cho làn sóng bạo lực rộng lớn hơn trong khu vực. Hậu quả sẽ vô cùng lớn và nhanh chóng lan tới các nước khác như Iraq, Iran, Syria và Yemen.

Xung đột càng kéo dài thì các lĩnh vực du lịch, thương mại, đầu tư và các kênh tài chính khác sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Dòng người tị nạn có thể gia tăng đáng kể, gây thêm áp lực tài chính và xã hội ở các quốc gia tiếp nhận.

Không chỉ vậy, cuộc xung đột tại Gaza còn tác động lớn về mặt kinh tế xét trên cả bình diện khu vực và quốc tế.

Tháng 10 vừa qua, đồng shekel của Israel đã chạm mức thấp nhất trong 8 năm so với đồng USD, buộc Ngân hàng Trung ương Israel phải bán lượng dự trữ ngoại hối trị giá lên tới 30 tỷ USD để ổn định giá trị đồng nội tệ đang ngày một lao dốc.

Ngoài ra, với gần 300.000 quân nhân dự bị của Israel được huy động kể từ khi xung đột bùng nổ, nền kinh tế nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Theo một số báo cáo, hơn 30% số doanh nghiệp ở Israel báo lỗ hoặc đóng cửa hoàn toàn. Xung đột còn gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch Israel và mỏ khí đốt ngoài khơi Tamar của Israel bị đóng cửa tạm thời khiến nhà nước Do Thái mất thêm nguồn thu xuất khẩu khí đốt.

Là khu vực sản xuất 35% lượng dầu xuất khẩu và 14% lượng khí đốt xuất khẩu của thế giới, tình trạng gián đoạn sản xuất năng lượng ở Trung Đông do ảnh hưởng của xung đột được cho sẽ tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu. Mặc dù giá dầu dễ bị biến động trước các xung đột khu vực và toàn cầu, nhưng cuộc xung đột hiện nay ở Gaza là cơ sở để Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện để giữ giá dầu ở mức cao.

Những tác động của cuộc xung đột đối với kinh tế cũng được cảm nhận rõ ở Ai Cập - quốc gia duy nhất ngoài Israel giáp Dải Gaza. Đáng chú ý nhất là việc tạm thời đóng cửa mỏ khí đốt Tamar đã làm giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Ai Cập giữa lúc nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này đang đối mặt với nhiều vấn đề. Do giáp biên giới với Gaza, nên du khách cũng phần nào lo ngại vấn đề an ninh ở Ai Cập, kéo theo hoạt động du lịch tại các khu nghỉ dưỡng của quốc gia Bắc Phi này giảm tới 80%.

Đối với Dải Gaza, chi phí tái thiết dải đất ven Địa Trung Hải này là không thể đo lường được. Theo ước tính của giới chuyên gia, chi phí cho công cuộc tái thiết Gaza có thể lên tới 50 tỷ USD do sự tàn phá nghiêm trọng của chiến tranh.

Ngoài ra, cuộc xung đột còn "phủ bóng đen" lên triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các quốc gia Arab, nhằm thúc đẩy kinh tế.

Hiện các hành động của Israel trong cuộc xung đột ở Gaza đã trở thành rào cản lớn đối với việc thiết lập quan hệ kinh tế với Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất khu vực. Mối quan hệ đối tác Israel-Saudi Arabia, được đánh giá là đáng chú ý nhất theo các Hiệp định Abraham, đã bị ngưng trệ khi Saudi Arabia phản đối các hành động quân sự của Israel ở Gaza.

Cuộc xung đột Israel-Hamas cũng đang là thước đo quan trọng đối với các mối quan hệ hiện có theo các Hiệp định Abraham, như quan hệ của Israel với Maroc, Sudan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)

Xung đột leo thang tồi tệ nhất trong lịch sử còn đẩy triển vọng giải pháp hai nhà nước mà cộng đồng quốc tế theo đuổi lâu nay trở nên xa vời. Trên thực tế, các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra trong nhiều thập niên giữa Israel và Palestine đã rơi vào bế tắc khi những mâu thuẫn cơ bản vẫn chưa được giải quyết và xung đột vẫn thường xuyên diễn ra ở vùng đất này.

Đây là cuộc xung đột vô cùng phức tạp với những mâu thuẫn sâu sắc về tôn giáo, văn hóa, chính trị, biên giới và lãnh thổ. Các bên hòa giải đã tốn nhiều công sức nhằm thúc đẩy các nỗ lực hòa bình, nhưng vùng đất Trung Đông này vẫn được coi là "thùng thuốc súng" có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Mặc dù giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine được coi là tối ưu, nhưng các quốc gia liên quan đều có những toan tính chính trị riêng, gây khó khăn lớn cho các giải pháp hòa bình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng leo thang bạo lực đỉnh điểm hiện nay.

Nói như chuyên gia phân tích chính trị Yossi Mekelberg tại Chatham House thì "Không có lựa chọn thay thế khả thi nào khác. Giải pháp hai nhà nước là lựa chọn ít tồi tệ nhất để cho phép cả người Israel và người Palestine thực hiện các quyền chính trị, dân sự và con người của họ".

Tuy nhiên, ngay cả khi Israel, Palestine, Mỹ và các nước Arab quyết tâm thúc đẩy một tiến trình hòa bình mới, vấn đề biên giới, các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, tương lai của Jerusalem, cũng như "quyền trở về" của người tị nạn Palestine và con cháu của họ, vấn đề an ninh và Gaza sẽ là những thách thức chính của bất kỳ thỏa thuận nào.

Do đó, chưa ai có thể dám chắc khi nào cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza mới kết thúc. Lịch sử cho thấy xung đột sẽ lại tiếp diễn sau mỗi lần hai bên đạt được lệnh ngừng bắn, một khi các vấn đề gốc rễ không được giải quyết.

Dù các bên có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vài tuần hoặc trong vài tháng, song đó vẫn chỉ là "tạm thời" và triển vọng hòa bình ở Trung Đông sẽ vẫn rất mịt mờ trong năm 2024, thậm chí là nhiều năm sau nữa.

Vàng và USD: Những yếu tố đẩy giá lên kỷ lục

Lần đầu tiên trong lịch sử, sa mạc ở Trung Đông bất ngờ xuất hiện tuyết rơi

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/mit-mu-trien-vong-hoa-binh-trung-dong-post141159.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mịt mù triển vọng hòa bình Trung Đông
    POWERED BY ONECMS & INTECH