Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra là sự hồi đáp rõ ràng nhất cho lời hứa của Đảng, của Chính phủ, mang đến niềm tin và hi vọng về tương lai tương sáng cho nhân dân nơi các tuyến đường đi qua…
Ngày 29/4, Bộ GTVT chính thức đưa vào khai thác 2 tuyến thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (QL45) và Phan Thiết - Dầu Giây, với chiều dài hơn 162km. Như vậy, đến thời điểm này, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đã có 4 đoạn tuyến được hoàn thành, với tổng chiều dài gần 280km trên tổng số 654km.
Với tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa sẽ được rút ngắn chỉ còn 2 giờ chạy xe so với 3 giờ như hiện nay. Còn với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, thời gian di chuyển từ TPHCM đi TP Phan Thiết (Bình Thuận) được rút ngắn từ 5-6 giờ xuống còn 2 giờ.
Chưa dừng ở đó, dự kiến vào ngày 19/5, sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới được thông xe, gồm đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 157km.
Tiếp theo đó, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành tháng 7/2023; đoạn tuyến QL45 - Nghi Sơn dự kiến hoàn thành tháng 8/2023; dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành tháng 12-2023.
Với kế hoạch trên, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác.
Có thể thấy, tuyến đường bộ cao tốc hiện đại từ Bắc chí Nam chạy dọc theo chiều dài đất nước đã đang dần dần hình thành không còn quá xa vời.
Ngoài cung đường cao tốc xương sống, hàng loạt các tuyến cao tốc kết nối mọi vùng miền đang đồng thời được triển khai, hướng tới mục tiêu đạt 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.
Khó khăn trùng trùng điệp điệp
Nói về giai đoạn triển khai tuyến cao tốc này, đại diện Bộ GTVT cho biết, quá trình thi công các dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có cao tốc Mai Sơn - QL45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên đó là thời điểm thi công dự án cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ. Giai đoạn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu khiến các công trường phải dừng thi công từ 4 - 6 tháng.
Chưa kể thời tiết năm 2021 - 2022 diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Tiếp theo là những biến động của giá nguyên, vật liệu xây dựng do ảnh hưởng bối cảnh chung trên thế giới ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Khó khăn chồng khó khăn khi ngoài vấn đề giá cả thì các dự án cao tốc thi công trong thời gian này gặp vấn đề về thiếu hụt vật liệu (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp). Bộ GTVT cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án. Ngoài ra còn một số nhà thầu còn hạn chế về năng lực, chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công công trình.
Bám công trường cao tốc Mai Sơn-QL45, Kỹ sư Nguyễn Mậu Tâm, Chỉ huy gói thầu 14-XL thuộc Công ty Trung Nam E&C bồi hồi khi nhớ về những khó khăn gặp phải sau hơn hai năm bám công trường.
“Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, việc huy động vật tư, vật liệu về công trường bị chững lại, việc đưa kỹ sư, công nhân cũng gặp nhiều rào cản từ quy định giãn cách xã hội giữa các địa phương. Khi dịch bệnh giảm nhiệt, “bão giá” lại nổi lên. Từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, vật liệu thép tăng từ 20 - 60%; cát, đá tăng khoảng 40 - 55%, xi măng tăng khoảng 30%, dầu diezel tăng tới 143% so với giá dự thầu", kỹ sư Tâm chia sẻ.
Để đảm bảo tiến độ thi công, trong suốt thời gian ấy, khối lượng sắt, thép Công ty Trung Nam huy động về công trường với giá vượt dự toán chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu. Tại gói thầu 14-XL, biến động giá vật liệu, nhiên liệu đã khiến giá trị của gói thầu tăng trên 25%.
"Mặc dù vậy, với nguồn lực và kinh nghiệm, sự làm chủ công nghệ thi công, Trung Nam E&C vẫn bám công địa, duy trì thi công liên tục, không kể ngày, đêm, hoàn thành các công trình cầu trên tuyến theo đúng thời gian Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu”, đại diện Trung Nam E&C chia sẻ.
Chính phủ sát sao, người dân ủng hộ
“Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó”, quán triệt tinh thần đó của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chia sẻ: Trong suốt quá trình triển khai Dự án, đặc biệt là Dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ; sự đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền các cấp; sự ủng hộ của người dân vùng dự án đi qua.
“Chúng tôi được động viên, được ‘lên dây cót tinh thần’ rất nhiều sau chuyến kiểm tra hiện trường xuyên Tết, xuyên Việt năm 2022, 2023 với quãng đường hàng nghìn km bằng đường bộ của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, qua các kỳ họp của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, nhiều khó khăn vướng mắc đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xử lý với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Có thể nói, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối với các Ban QLDA, các đơn vị thi công”, đại diện Bộ GTVT cho hay.
Song song với công tác chỉ đạo điều hành, ngày 10/9/2022, với mục tiêu “không còn đường lùi”, phải vượt qua mọi khó khăn để “tăng tốc, về đích”, Bộ GTVT đã phát động “phong trào thi đua 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng vào dịp 30/4/2023. Đây cũng là “thước đo” để kiên quyết loại trừ những nhà thầu không đủ năng lực tham gia các Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2.
Thực hiện phong trào thi đua do Bộ GTVT phát động, Các Ban QLDA đã tập trung chỉ đạo các Nhà thầu tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, huy động mọi nguồn tài chính để tổ chức triển khai thi công. Một không khí thi đua, quyết tâm lan tỏa trên khắp các công trường vì chính “danh dự” của các nhà thầu, của ngành giao thông.
“Đến thời điểm hiện tại, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT, sự cố gắng nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, 2 dự án thành phần đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trên chính tuyến; làm việc với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đảm bảo đủ điều kiện đưa Dự án vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023”, Bộ GTVT cho biết.
Sau khi đưa 2 dự án vào khai thác sử dụng, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện khối lượng công việc còn lại đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình, dự án theo đúng hồ sơ thiết kế, đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Quê hương gần lại, kinh tế mở ra
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”, với gần 500km cao tốc dự kiến được thông suốt trong năm 2023, không chỉ có quãng đường về quê thêm gần lại mà còn mở ra bức tranh kinh tế tăng trưởng tươi sáng hơn cho các địa phương có cao tốc đi qua.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, anh Phan Đức Chung (lái xe) chia sẻ, trước đây, đoạn từ cầu Cao Bồ đến TP Ninh Bình chỉ có hai làn xe, lòng đường hẹp, ô tô đi chung với xe máy rất dễ va chạm, chưa kể đến “điểm đen” ùn tắc ở nút giao từ đường dẫn nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ra QL1. Việc thông xe hai đoạn tuyến Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45 đã giúp phương tiện tránh được những cung đường ùn tắc này.
“Nếu trước đó, đi Hà Nội - Nghệ An mất khoảng 5,5 tiếng, dịp lễ, Tết có thể đến 7 - 8 tiếng vì tắc đường thì giờ có thể tiết kiệm được khoảng 1,5 tiếng. Còn cung đường từ Hà Nội đi Thanh Hóa, nếu trước đây mất từ 2,5- 3 tiếng, khi có cao tốc Mai Sơn- QL45, thời gian chỉ còn chưa đầy 2 tiếng”, anh Chung cho biết.
Không chỉ có những tài xế vui mừng, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 01/5 kéo dài, thời tiết thuận lợi, kết hợp với thông tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, dự báo Thanh Hóa sẽ đón lượng khách tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, ước đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế khoảng 5.000 lượt), tăng 11,3% so với năm 2022.
Với chiều dài 99km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa thông xe đi qua những cánh đồng lúa, vườn thanh long, rừng cao su xanh mát thì nay những chuyến xe, hàng hóa từ TPHCM đến Phan Thiết và ngược lại chỉ mất gần 2 giờ, ngắn hơn một nửa so với hành trình cũ phải mất 4 - 5 giờ, các tài xế không còn phải đi qua QL1 chen chúc, ùn tắc nữa.
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe là dấu mốc sự kiện quan trọng của tỉnh nhà.
Thời gian từ TPHCM đến Phan Thiết chỉ còn khoảng 2 giờ thay vì phải đi QL1 mất gấp đôi thời gian. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai Năm du lịch Quốc gia, với việc tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, dự báo khách du lịch đến địa phương sẽ tăng mạnh.
Đồng thời, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực cho QL1 đã quá tải nhiều năm qua, trở thành mắt xích quan trọng kết nối sân bay Long Thành, các khu công nghiệp khu vực TP Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc… tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Không thể phủ nhận rằng, giao thông đi đến đâu mở ra tiềm năng kinh tế đến đó, hiệu quả đầu tư các dự án cao tốc chỉ có thể đạt được ở mức tối đa khi các dự án trên toàn tuyến đưa vào khai thác đồng bộ.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần quyết liệt chỉ đạo các ban quản lý dự án, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xử lý việc chậm trễ trong thi công để đưa các dự án vào khai thác đúng kế hoạch, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 vào giữa năm 2024. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần xử lý những vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) để sớm hoàn chỉnh toàn bộ tuyến đường cao tốc huyết mạch của đất nước theo đúng mục tiêu đã đặt ra.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác. Các Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 dài 63,37km (đã hoàn thành 53,67km, còn khoảng hơn 9km và các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành trước 30/6/2023) và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km sẽ chính thức đưa vào khai thác ngày 29/4/2023.
Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.
Dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km) và Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,01 km) dự kiến hoàn thành quý III và IV năm 2023.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km) và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.