Mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, liệu Apple có thay đổi cuộc chơi của thị trường bán lẻ?

18-05-2023 08:52|Thủy Tiên

Vấn đề được đông đảo người dùng quan tâm hiện nay là cửa hàng trực tuyến của Apple sẽ tác động thế nào đến ngành bán lẻ điện tử tại Việt Nam?

Từ ngày 18/5 tới, Apple sẽ chính thức ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam, cung cấp các dòng sản phẩm của hãng cũng như dịch vụ khách hàng và cá nhân hóa tương tự như cửa hàng vật lý. Bên cạnh đó, còn có một đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng trên toàn quốc. Động thái này được xem là bước đệm cho một Apple Store vật lý trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề được đông đảo tín đồ “quả táo cắn dở” quan tâm hiện nay là cửa hàng trực tuyến của Apple sẽ có tác động như thế nào đến ngành bán lẻ điện tử trong nước nói chung cũng như đến các đại lý ủy quyền nói riêng.

apple-1.png

Xuất phát điểm của "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ là một công ty sản xuất máy tính cá nhân nhưng Apple được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ bởi những chiếc điện thoại thông minh. Bất chấp việc toàn ngành công nghiệp smartphone bị sụt giảm doanh số trong quý đầu tiên của năm 2023, theo CEO Tim Cook, số lượng thiết bị Apple đang hoạt động ở mức cao nhất mọi thời đại, mang về hơn 51 tỷ USD trong quý 1/2023.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất iPhone còn tự làm mới nhiều khái niệm của giới công nghệ toàn cầu. Chẳng hạn, nhiều thiết bị máy tính bảng chạy Android và Windows ngày nay, cũng được gọi là “iPad” trong ngôn ngữ giao tiếp thường ngày.

Tất nhiên đằng sau thành công vang dội trong việc hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, giúp Apple đến gần hơn với người tiêu dùng và hàng triệu khách hàng trung thành ở trên toàn thế giới, phải là một chiến lược phân phối đã đạt đến đỉnh cao của sự hiệu quả.

Chiến lược phân phối của Apple

Trên thế giới, Apple chia cấp bậc các cửa hàng theo thứ tự như sau: cao cấp nhất là Apple Store do chính Apple đầu tư và sở hữu; kế đến là các mô hình hợp tác với nhà bán lẻ: APR (Apple Premium Reseller): cửa hàng bán lẻ cao cấp; và AAR (Apple Authorized Reseller): cửa hàng bán lẻ được uỷ quyền.

Tính đến năm 2022, Apple đã có khoảng 521 cửa hàng bán lẻ Apple Store trên 25 quốc gia, phân phối trực tiếp những sản phẩm công nghệ của hãng trên toàn thế giới, mang lại khoảng 36% doanh thu cho toàn hệ thống.

Cửa hàng bán lẻ có vai trò quan trọng đối với sự thành công của Apple, mang đến không gian trải nghiệm mua hàng tuyệt vời đồng thời cung cấp chất lượng dịch vụ hoàn hảo cho khách hàng.

Mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, liệu Apple có thay đổi cuộc chơi của thị trường bán lẻ?
Apple Store hình cầu nổi trên mặt nước tại Singapore.

Apple Store do chính Apple đầu tư và sở hữu, với mỗi cửa hàng như một tác phẩm nghệ thuật, được đặt ở những thành phố lớn, vị trí đắc địa nhất, phục vụ khách tham quan lẫn mua sắm, biến cửa hàng thành một điểm hẹn hoàn hảo cho các tín đồ công nghệ nói chung và iFan nói riêng.

Do đó, không chỉ dừng lại ở công năng của một cửa hàng bán lẻ, nhiều cửa hàng Apple đóng vai trò như một địa điểm du lịch hấp dẫn ở từng quốc gia sở tại. Nổi bật trong số đó phải kể đến Apple Store nổi tại Singapore, cửa hàng không có tiếng ồn tại khu Brooklyn New York, hay cửa hàng mang đậm dấu ấn hoài cổ tại Bordeaux, Pháp. Đây cũng là lý do tại sao dù tốn rất nhiều chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng Apple không ngừng mở rộng các cửa hàng Apple Store trên toàn thế giới.

Apple Store thành công là thế nhưng trên thực tế, phần lớn doanh thu của "quả táo cắn dở" vẫn đang đến từ các kênh gián tiếp. Với mạng lớn phân phối qua nhiều kênh gián tiếp rộng lớn, các đại lý phân phối ủy quyền đã mang lại hơn 60% doanh thu của tập đoàn.

Nếu như Apple Store do chính Apple đầu tư và sở hữu, thì các đơn vị úy quyền sẽ do Apple và các đối tác bán lẻ cùng nhau thực hiện, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về vị trí cửa hàng, chất lượng nhân sự, nền tảng kinh doanh trực tuyến,... do "hãng táo" đề ra.

Mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, liệu Apple có thay đổi cuộc chơi của thị trường bán lẻ?

Tiêu chí trở thành đơn vị bán lẻ trên toàn cầu được công nhận AAR (Đơn vị được uỷ quyền bởi Apple) phụ thuộc phần lớn vào doanh số bán sản phẩm chính hãng của Apple theo từng năm.

Trong khi đó, để trở thành đơn vị ủy quyền cấp cao APR, các doanh nghiệp phải chịu sự can thiệp của Apple vào cấu trúc và thiết kế không gian bán hàng, tham gia trực tiếp vào quá trình tuyển chọn nhân sự. Một số đơn vị ủy quyền cấp cao tại Việt Nam là FPT Shop, chuỗi bán lẻ đến từ Thế Giới Di Động,…

Đổi lại, các đơn vị ủy quyền cấp cao sẽ được cung cấp đa dạng hơn những sản phẩm và dịch vụ của hãng. Mức giá niêm yết của từng sản phẩm tỉ lệ thuận theo danh tiếng và độ uy tín của đơn vị ủy quyền cấp cao giúp mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Bên cạnh các cửa hàng, website chính thức và các đối tác viễn thông vẫn là những kênh bán hàng lí tưởng, để Apple đa dạng hoá hình thức phân phối sản phẩm và tiếp cận người dùng toàn cầu.

Website chính thức của Apple được thiết kế với giao diện đơn giản, dễ dùng và hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhìn chung, người mua hàng được hỗ trợ mọi quyền lợi, giống với khách hàng đến trực tiếp cửa hàng của Apple dù đang ngồi tại nhà hay một quán cà phê nào đó có kết nối WiFi.

Cụ thể, tại website, Apple cập nhật sản phẩm mới và tình trạng tồn kho của sản phẩm để khách hàng dễ dàng chọn mua. Ngoài ra, gian hàng trực tuyến này còn thường xuyên cập nhật các chương trình khuyến mãi, kích thích khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh Website chính thức, Apple còn hợp tác kinh doanh sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín hàng đầu thế giới như Amazon, ebay,… với mục đích tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Khách hàng Việt Nam hưởng lợi

Việc "Táo Khuyết" mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, rút ngắn thời gian chờ đợi sản phẩm mới của hãng. Trước đây, khách hàng phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chờ đợi nhận được sản phẩm mới nhất của Apple. Thế nhưng giờ đây, người dùng có thể nhận được sản phẩm chỉ trong vài ngày hoặc 1 tuần, thay vì phải đợi vài tuần hoặc vài tháng như trước đây.

Ghi nhận tại một số quốc gia đã có Apple Store trực tuyến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, người dùng có thể mua điện thoại mới ngay trong ngày ra mắt. Tương tự, ở Malaysia, người dùng chỉ mất từ 7 đến 15 ngày để sở hữu chiếc iPhone mới chính hãng.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi iPhone 15 – chiếc điện thoại dự kiến của Apple trong năm nay – sẽ được ra mắt trong thời gian tới.

Việc nhà sản xuất iPhone mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, khách hàng cũng sẽ có thêm một kênh tham khảo uy tín về giá cả sản phẩm và loại hình sản phẩm. Ví dụ, những sản phẩm MacBook có bộ nhớ cao thường không xuất hiện nhiều tại các cửa hàng uỷ quyền, nhưng giờ đây sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt.

Động thái mới này của Apple tại thị trường Việt Nam được nhận định là bước đệm cho một Apple Store vật lý trong tương lai. Lấy Ấn Độ làm ví dụ điển hình. Nhà sản xuất iPhone lần đầu mở cửa hàng trực tuyến vào ngày 23/9/2020,là thị trường thứ 38 của Apple có cửa hàng trực tuyến. Sau gần ba năm, ngày 18/4 và 20/4 vừa qua, “táo khuyết” liên tiếp khai trương hai cửa hàng Apple Store đầu tiên tại quốc gia Nam Á này.

Cạnh tranh với các cửa hàng ủy quyền?

Tuy Apple sẽ có những lợi thế nhất định khi mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, nhưng đây không phải là mối đe dọa lớn đối với các đại lý ủy quyền, đặc biệt là đối với những công ty đã thiết lập được thương hiệu mạnh và cơ sở khách hàng trung thành.

Như đã phân tích ở trên, phần lớn doanh thu của nhà Táo Khuyết vẫn đang đến từ các kênh gián tiếp. Hơn 60% doanh số của hãng đến từ các đơn bị ủy quyền. Do đó, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến sẽ không tác động lớn đến ngành bán lẻ điện tử tại Việt Nam.

Trên thực tế, Apple đã mở cửa hàng trực tuyến tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, châu Âu, đến Trung Quốc, Ấn Độ, … Và các cửa hàng bán lẻ tại các nước này vẫn chưa ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực nào đến hoạt động kinh doanh của họ.

Nhìn từ trường hợp Ấn Độ, nhà sản xuất iPhone mở cửa hàng trực tuyến vào năm 2020 tại nước này, nhưng chỉ đến khai trương cửa hàng vật lý chính thức, các đại lý ủy quyền mới bắt đầu cảm thấy lo lắng về sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng.

“Dù sao đi nữa thì khách hàng vẫn thích mua hàng trực tiếp tại cửa hàng chính hãng của Apple hơn là các nhà bán lẻ, đặc biệt là trong thời gian ra mắt sản phẩm mới. Ngoài ra trải nghiệm tổng thể tại cửa hàng bao gồm: tư vấn và hỗ trợ của chuyên gia Apple, dịch vụ được cá nhân hóa như khắc tên lên bề mặt thiết bị,... cũng sẽ đặt ra thách thức cho các đại lý ủy quyền”, Manish Khatri của Mahesh Telecom có trụ sở tại Mumbai bày tỏ lo ngại.

Quay trở lại với thị trường Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên các nhà sản xuất smartphone tự mở cửa hàng trực tuyến để bán hàng tại Việt Nam. Samsung đã thực hiện điều này trong nhiều năm, và động thái này cũng không tác động nhiều đến doanh thu của các đại lý.

Ngoài ra, Apple thu được nguồn lợi nhuận lớn từ các đại lý ủy quyền, nên các đơn vị kinh doanh trong nước không lo ngại trước "tay chơi" mới trên thị trường.

Ngoài ra, khác với đại lý, dù là cửa hàng vật lý hay cửa hàng trực tuyến, Apple đều sẽ niêm yết giá theo quy định của hãng và không có nhiều ưu đãi, hỗ trợ khác. Do đó, khả năng cửa hàng trực tuyến sắp ra mắt của Apple đưa ra mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn các đại lý ủy quyền là rất thấp, thậm chí là không thể xảy ra.

Ông Lê Trọng Đạt, một chuyên viên phân tích thương hiệu ở TP.HCM cho biết, Apple không muốn cạnh tranh với những đại lý đã được uỷ quyền của mình, mà chỉ muốn tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường.

Các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam cũng không cảm thấy lo lắng vì sự xuất hiện của Apple Store trực tuyến. Các cửa hàng uỷ quyền của Apple tại Việt Nam như Minh Tuấn, Di Động Việt, FPT Shop, CellphoneS... vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh của mình.

Các nhà bán lẻ và chuyên gia cũng cho rằng, với mạng lưới cửa hàng trải dài khắp cả nước và hiện diện ở hầu hết các tỉnh thành, doanh nghiệp Việt sẽ không bị đe dọa về lợi thế cạnh tranh. Điều này bởi sản phẩm công nghệ như của Apple đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế, điều mà Apple Store trực tuyến khó thể mang đến cho người dùng.

Ngoài ra, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến còn được kỳ vọng sẽ giúp tăng doanh số điện thoại ở Việt Nam trong bối cảnh thị trường này đang tăng trưởng âm khoảng 6 tháng gần đây.

Tim Cook: Apple không thể làm gì nếu thiếu đối tác Trung Quốc

Đối tác quan trọng của Apple tiếp tục mở rộng tại Việt Nam

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mo-cua-hang-truc-tuyen-tai-viet-nam-lieu-apple-co-thay-doi-cuoc-choi-cua-thi-truong-ban-le-183463.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, liệu Apple có thay đổi cuộc chơi của thị trường bán lẻ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH