'Mỏ vàng' nghìn tỷ vừa được Chứng khoán TCBS khai phá có gì đặc biệt?
Chứng khoán Techcombank (TCBS) là một trong số ít công ty chứng khoán áp dụng chính sách miễn phí giao dịch (zero-fee) nhằm mở rộng thị phần môi giới. Dù lợi nhuận từ mảng môi giới giảm, TCBS đã ghi nhận hiệu quả tăng trưởng gấp đôi ở một mảng kinh doanh khác.
TCBS: Bứt phá mạnh mẽ nhờ chiến lược miễn phí giao dịch
Bứt phá từ đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của công nghệ, chỉ sau vài năm, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã trở thành gương mặt "ngự trị" nhóm dẫn đầu.
Không chỉ nổi danh với việc nắm giữ trên 50% thị phần môi giới trái phiếu toàn thị trường nhờ sự hậu thuẫn của ngân hàng Techcombank (TCB), TCBS hiện cũng đứng trong Top 3 công ty có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất sàn HoSE, đạt tỷ trọng 7,45%, tăng gần 4% so với quý IV/2022. Cú bứt tốc ngoạn mục này đã giúp công ty vượt qua loạt tên tuổi lớn như VNDirect, HSC, Vietcap và áp sát vị trí Top 2 của SSI với khoảng cách chỉ gần 1,9% tính đến cuối quý II/2024.
Lợi nhuận tăng vọt, TCBS vươn lên dẫn đầu
Nắm lợi thế lớn về thị phần môi giới, dễ hiểu khi Chứng khoán Techcombank trong nhiều quý liền duy trì vị thế Top 3 công ty đạt lợi nhuận cao nhất toàn ngành. Với lợi nhuận trước thuế đạt 1.612 tỷ đồng - tăng tới 192%, TCBS đã vượt mặt SSI và VIX để trở thành quán quân lợi nhuận nhóm chứng khoán trong quý II và nửa đầu năm 2024.
TCBS kế thừa nhiều giá trị từ ngân hàng mẹ Techcombank |
Xét về quy mô vốn chủ sở hữu, khoảng cách giữa TCBS và công ty Top 1 là SSI chỉ khoảng 300 tỷ đồng, hiện đạt mức 24.643 tỷ.
Để đạt được những thành tựu này, TCBS đã áp dụng thành công chiến lược miễn phí giao dịch (zero-fee) kể từ đầu năm 2023 nhằm gia tăng thị phần môi giới. Giai đoạn 2021 và 2022, lãi thuần từ hoạt động môi giới chứng khoán của công ty đều trên 700 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi zero-fee được áp dụng, lãi thuần của mảng này giảm còn 293 tỷ đồng trong năm 2023 và 161 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Các con số này chỉ tương đương mức của một công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ.
VNDirect (Mã VND) từng tuyên bố vào đầu năm 2024 rằng họ sẽ không hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần môi giới. Tuy nhiên, sau sự cố hệ thống bị tấn công trong nhiều ngày, VNDirect đã mất 1% thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE trong quý I/2024, đồng thời mất vị trí Top 3 vào tay TCBS.
Rõ ràng, việc từ bỏ nguồn lợi truyền thống là điều không nhiều công ty chứng khoán dám thực hiện. Tuy nhiên, với nền tảng tài chính vững chắc, TCBS - vốn phát triển mạnh về trái phiếu và cho vay - không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách zero-fee.
Đến cuối tháng 6/2024, tổng nguồn vốn của công ty đạt 52.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các khoản cho vay là gần 24.700 tỷ đồng, giá trị tài sản tài chính sẵn sàng để bán tăng lên gần 18.800 tỷ đồng. Công ty cũng có khoảng 4.600 tỷ đồng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
Nguồn: BCTC quý II/2024 của TCBS |
Theo BCTC quý II/2024 của TCBS, biên lãi mảng cho vay của công ty luôn duy trì ở mức cao nhất trong các mảng kinh doanh chính. Cụ thể, TCBS đã đem về 1.110 tỷ đồng từ hoạt động cho vay trong nửa đầu năm 2024, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; biên lợi nhuận đạt gần 100%.
Chỉ trong hai quý đầu năm, TCBS đã rót thêm khoảng 8.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn lực cho vay sau khi đạt dấu ấn lớn về tăng trưởng thị phần môi giới. Việc hy sinh một vài trăm tỷ đồng từ phí giao dịch để áp dụng zero-fee đã giúp công ty mở rộng tệp khách hàng tiềm năng, đồng thời thúc đẩy mạnh mảng cho vay margin - vốn được ví như "mỏ vàng" của các công ty chứng khoán.
Chiến lược zero-fee: Lợi thế từ sự kế thừa của Techcombank
Chiến lược zero-fee của TCBS không phải là điều bất ngờ bởi Techcombank - ngân hàng mẹ - từng khởi xướng xu hướng này trong ngành ngân hàng từ tháng 9/2016. Lúc đó, quyết định này đã gây ngạc nhiên cho các ngân hàng khác vì phí giao dịch là nguồn thu ổn định. Tuy nhiên, Techcombank đã thành công trong việc kéo lượng khách hàng lớn về phía mình. Lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng nhanh, giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí vốn và tạo lợi thế cạnh tranh trong hoạt động tín dụng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng 2024 của nhóm ngân hàng |
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của Techcombank (Mã TCB) đã cho thấy vị trí thứ 2 về lợi nhuận sau thuế trong nhóm ngân hàng, đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn mức trên 16.000 tỷ đồng của Vietcombank (Mã VCB), nhưng đủ để Techcombank duy trì vị thế ngân hàng tư nhân số một tại thị trường.
>> Nghề tư vấn đầu tư chứng khoán: 'Phông bạt' không phải thước đo thành công