Mỗi năm Việt Nam phát sinh hơn 156 triệu tấn rơm rạ, bã mía… gây ô nhiễm nghiêm trọng
Mỗi năm, Việt Nam phát sinh hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, chỉ 10–35% trong số này được tái chế hoặc tái sử dụng, phần còn lại bị thải bỏ ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Mỗi năm, Việt Nam tạo ra khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi... Tuy nhiên, chỉ 10–35% trong số này được tái chế hoặc tái sử dụng; phần còn lại bị đốt hoặc thải bỏ bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm không khí và đất.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nông nghiệp là ngành phát thải CO₂ lớn thứ hai, chỉ sau năng lượng. Dữ liệu cập nhật năm 2022 từ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho thấy, ngành này phát thải hơn 104 triệu tấn CO₂e mỗi năm, chiếm 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Dù vậy, nhiều loại phụ phẩm có thể trở thành tài nguyên nếu được tái sử dụng hiệu quả. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch ThaiBinh Seed, cho biết rơm rạ có thể làm thức ăn gia súc, phân compost, viên nén sinh khối; trấu được dùng sản xuất than hoạt tính hoặc vật liệu cách nhiệt. Cám gạo có thể chế biến thành nguyên liệu mỹ phẩm, còn nước gạo, nước thải chế biến có thể nuôi cá hoặc sản xuất men vi sinh cho nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, ông Thịnh đánh giá rằng phần lớn sáng kiến vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành chuỗi ngành hàng hay thị trường đủ lớn cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Việc thiếu dữ liệu cũng là rào cản, nhiều doanh nghiệp tham gia đề án "Một triệu ha lúa phát thải thấp" gặp khó khăn do không có số liệu chính xác về lượng rơm rạ, trấu thu được trên mỗi ha.
Theo kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu tái chế, tái sử dụng 70% phụ phẩm nông nghiệp vào năm 2030, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi. Một số doanh nghiệp đang triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, ThaiBinh Seed sử dụng trấu làm chất đốt, rơm để trồng nấm và sản xuất phân bón hữu cơ, đồng thời xuất khẩu rơm sang Hàn Quốc. Công ty Lemit Foods tận dụng vỏ mít để sản xuất phân hữu cơ qua nuôi giun, đồng thời phát triển sản phẩm thay thế bột ca cao từ hạt mít.
![]() |
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tại sự kiện. Ảnh: DDDN |
Trước bối cảnh ngành, ông Thịnh đề xuất cần xây dựng một chiến lược tuần hoàn riêng cho ngành nông nghiệp, thay vì gộp chung với các lĩnh vực như năng lượng hay vật liệu xây dựng. Ông đề xuất ban hành quy trình, tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn, giúp phân biệt rõ trên thị trường và tăng giá trị thương mại. Ngoài ra, cần có cơ chế chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu giống lúa ngắn ngày, chống chịu tốt, ít phát thải và tạo giá trị từ phụ phẩm.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp không chỉ là giải pháp môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế lớn. Để hiện thực hóa, cần sự tham gia quyết liệt của cả chính sách, doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam đón ‘siêu dự án’ tái chế tỷ USD từ quốc gia lớn nhất Bắc Âu
Sản xuất lúa gạo tạo khí nhà kính nhiều nhất trong nông nghiệp