Bất động sản

Mới nhất về phương án kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Hải Đăng 04/12/2024 - 11:01

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiên cứu đường sắt hoặc đường tàu điện ngầm để kết nối giữa 2 nhà ga sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đây là lần thứ 5 lãnh đạo Chính phủ đến hiện trường dự án sân bay Long Thành. Trước đó, Thủ tướng đã 4 lần kiểm tra hiện trường, tiến hành họp và chỉ đạo triển khai các dự án vào dịp Tết các năm 2022, 2023, 2024 và tháng 9/2024.

Mới nhất về phương án kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Phối cảnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành. Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc, ngoài việc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bố trí vốn cho công trình Trụ sở Trạm kiểm dịch động/thực vật tại dự án thành phần 4, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu phương án giao thông metro hoặc tàu điện ngầm hoặc đường sắt tốc độ cao để kết nối các sân bay Long Thành, Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.

>> Chiêm ngưỡng cây cầu 5.700 tỷ có trụ tháp cao bậc nhất và cọc khoan sâu nhất Việt Nam

Mới nhất về phương án kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Phương án kết nối giữa sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết. Ảnh minh họa

"Tôi đề nghị nghiên cứu đường sắt hoặc tàu điện ngầm kết nối giữa 2 nhà ga sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất", Thủ tướng lưu ý việc này đã nhắc lần thứ 3, báo Vietnamnet dẫn lời.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần bảo đảm quý I/2025 phải hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư…

Lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ đạo phát động cuộc thi đua cao điểm 450 ngày đêm trên công trường, đưa dự án về đích vào ngày 31/12/2025.

Mới nhất về phương án kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Hướng tuyến đường sắt kết nối hai sân bay dài 22km theo đề xuất liên danh tư vấn. Ảnh: Liên danh tư vấn

Trước đó, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thúc đẩy các dự án liên kết vùng cũng như kết nối sân bay Long Thành, trong đó có dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc phát triển hệ sinh thái sân bay Long Thành có liên quan đến toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, vì thế cần có sự đột phá ở dự án này, cần sớm quy hoạch xây dựng TP sân bay và khai thác hiệu quả sân bay Long Thành.

Nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm của ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó bao gồm đầu tư đường sắt kết nối (trên cao hoặc đi ngầm). Yêu cầu này đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra khi phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT vào hồi tháng 3/2024.

Theo như quy hoạch phát triển GTVT TP. HCM, việc kết nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ thông qua các tuyến metro số 4B, tuyến số 5, tuyến số 2 và tuyến Thủ Thiêm – Long Thành.

Tuy nhiên, liên danh tư vấn (Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT phía Nam và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT) cho rằng việc trung chuyển qua nhiều tuyến metro sẽ gây khó khăn cho các hành khách giữa 2 sân bay, do đó, liên danh này đề xuất làm đường sắt kết nối nội ngoại ô từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Long Thành.

Theo đề xuất của liên danh này, tuyến đường sắt kết nối 2 sân bay sẽ có chiều dài dự kiến 22 km. Tuyến bắt đầu từ ga Bà Quẹo (tuyến metro số 2) kết nối với nhà ga T3, T1 và T2 của sân bay Tân Sơn Nhất.

Hướng tuyến đề xuất kết nối nhà ga T3, T2 và T1 của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có đoạn dự kiến đi ngầm qua khu vực kỹ thuật của sân bay.

Tuyến này sẽ đi theo đường Bạch Đằng, đến công Viên Gia Định rồi đi theo hành lang đường Phạm Văn Đồng; tuyến chung hành lang với tuyến đường sắt Quốc gia đến ga Bình Triệu, qua ga Bình Triệu tuyến rẽ phải và đi theo hành lang đường vành đai 2, đến khu vực nút giao Phú Hữu. Tại đây, tuyến có thể kết nối hoặc trung chuyển với tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đi sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án sân bay Long Thành, được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (hoàn thành năm 2026): Đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm, với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD. Giai đoạn 3 (sau 2035): Đạt công suất 100 triệu lượt khách/năm, đưa sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

>> Việt Nam sắp có hầm vượt sông nối 2 tỉnh, thành phố giàu có bậc nhất của cả nước

Diện mạo tuyến đường kết nối 4 quận, huyện với sân bay Tân Sơn Nhất sắp thông xe

Vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 tại Sóc Sơn: Hé lộ phương thức trả giá của nhóm đối tượng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/moi-nhat-ve-phuong-an-ket-noi-san-bay-quoc-te-long-thanh-va-san-bay-quoc-te-tan-son-nhat-263727.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mới nhất về phương án kết nối sân bay quốc tế Long Thành và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH