Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Mỹ, dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế trong năm nay

15-03-2023 10:55|Minh Minh

Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ xuống “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó sau ba vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tuần tại nước này.

Hôm 14/3 vừa qua, Moody’s Investors Service, một trong ba tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn và uy tín nhất thế giới, đã hạ triển vọng tín nhiệm của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ xuống “tiêu cực” từ mức “ổn định” sau ba vụ sụp đổ ngân hàng liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tuần tại nước này.

Moody’s cho biết, tổ chức này thực hiện động thái hạ tín nhiệm hệ thống ngân hàng Mỹ trên cơ sở những vụ sụp đổ ngân hàng khiến nhà chức trách nước này phải vào cuộc hôm Chủ nhật với kế hoạch đảm bảo tiền gửi và giữ vững các định chế khác bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng.

“Chúng tôi phải thay đổi triển vọng của chúng tôi đối với hệ thống ngân hàng Mỹ sang ‘tiêu cực’ từ ‘ổn định’ để phản ánh sự xấu đi nhanh chóng trong môi trường vận hành của hệ thống ngân hàng sau các vụ rút tiền ồ ạt khỏi Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank, cũng như sự sụp đổ của SVB và Signature Bank”, Moody’s cho biết trong một báo cáo.

Trước đó cùng ngày, Moody’s cảnh báo có thể hạ điểm tín nhiệm hoặc xem xét hạ điểm tín nhiệm đối với 7 định chế tài chính Mỹ.

Theo hãng tin CNBC, những động thái này là quan trọng bởi có thể dẫn tới giảm điểm tín nhiệm, kéo theo chi phí vay vốn gia tăng đối với toàn ngành.

Trong tuyên bố hạ triển vọng tín nhiệm đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, Moody’s ghi nhận các biện pháp mạnh mẽ mà cơ quan chức năng Mỹ đã triển khai để xử lý các ngân hàng sụp đổ. Tuy nhiên, Moody’s nói rằng các định chế tài chính khác với những khoản lỗ chưa được hiện thực hoá hoặc tiền gửi ngoài diện bảo hiểm vẫn có thể đối mặt với rủi ro.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã thông báo thiết lập một cơ chế để đảm bảo rằng các định chế tài chính gặp vấn đề thanh khoản có thể tiếp cận với tiền mặt. Bộ Tài chính Mỹ sẵn sàng cấp 25 tỷ USD cho chương trình này, đồng thời cam kết người gửi tiền với số tiền hơn 250.000 USD - vượt trần bảo hiểm theo quy định liên bang - tại SVB và Signature sẽ được tiếp cận đầy đủ với tiền gửi của họ.

Dù vậy, Moody’s nói rằng vẫn còn vấn đề đáng lo ngại: “Những ngân hàng có những khoản lỗ lớn từ danh mục đầu tư chứng khoán chưa được hiện thực hoá và có tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm có thể vẫn còn nhạy cảm với cuộc chiến giành giật người gửi tiền - cuộc chiến với hiệu ứng tiêu cực về dòng vốn, thanh khoản và lợi nhuận”.

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Ba, bất chấp việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm, đưa chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh.

Các vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ xảy ra trong bối cảnh Fed tăng mạnh lãi suất suốt 1 năm qua để chống lại mức lạm phát cao nhất hơn 40 năm ở nước này. Moody’s dự báo Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

Cụ thể, tổ chức này nhận định: “Chúng tôi cho rằng sức ép đối với hệ thống tài chính Mỹ sẽ dai dẳng và trầm trọng thêm bởi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ còn tiếp diễn, với lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn cho tới khi lạm phát giảm về tầm mục tiêu của Fed”, Moody’s nhận định.

Moody’s cũng dự báo nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay, gia tăng sức ép đối với hệ thống ngân hàng.

Có một loại tài sản hấp dẫn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến chứng khoán, ngân hàng

Không phải vàng và chứng khoán, đây mới là kênh đầu tư tốt nhất nửa đầu năm 2023

"Không phải chờ đến khi các TCTD khó khăn về thanh khoản mới vào cuộc xử lý"

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/moodys-ha-trien-vong-tin-nhiem-he-thong-ngan-hang-my-du-bao-ve-mot-cuoc-suy-thoai-kinh-te-trong-nam-nay-173650.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Mỹ, dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế trong năm nay
POWERED BY ONECMS & INTECH