Một căn bệnh ung thư 'tấn công' gần 17.000 người Việt Nam mỗi năm, hơn 8.000 trường hợp tử vong: Triệu chứng thường không nghiêm trọng nên dễ bị bỏ qua
Việc tầm soát ung thư có ý nghĩa quan trọng bởi vì bệnh thường phát triển thầm lặng và hầu như không có triệu chứng sớm.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan), ung thư đại trực tràng đã vượt qua ung thư dạ dày, trở thành loại phổ biến thứ 4 tại Việt Nam với gần 17.000 ca mắc mới mỗi năm. TS.BS Phan Thị Hồng Đức – Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cũng chia sẻ: "Riêng ở phụ nữ, ung thư đại trực tràng xếp hàng thứ 3, sau ung thư vú và phổi".
Tính chung cho cả nam và nữ, năm 2022, Việt Nam ghi nhận 16.835 ca mắc mới và 8.454 ca tử vong do ung thư đại trực tràng. Vào năm 2020, loại ung thư này đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, sau ung thư gan, phổi, vú và dạ dày. Hiện nay, ung thư đại trực tràng đã vươn lên đứng thứ 4 trong danh sách các loại ung thư có số ca mắc mới nhiều nhất tại Việt Nam, xếp sau ung thư vú, gan và phổi.
Trên phạm vi toàn cầu, ung thư đại trực tràng hiện đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc, với hơn 1,9 triệu ca được chẩn đoán mỗi năm. Tại TP. HCM, trong hai năm qua, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng - hậu môn ở cả hai giới và mọi nhóm tuổi đã vượt quá 2.600 trường hợp.
Cũng theo bác sĩ Đức chia sẻ, ung thư đại trực tràng thường biểu hiện qua những triệu chứng không nghiêm trọng và dễ bị bỏ qua. Chính vì vậy, nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, làm tăng nguy cơ tử vong. Trong khi đó, nếu bệnh được chẩn đoán sớm, khả năng điều trị thường cao, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Theo thống kê từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh. Cụ thể, giai đoạn khu trú, mới chỉ phát triển ở đại tràng hoặc trực tràng thì tỷ lệ sống trong 5 năm lên tới 91%. Khi ung thư ở giai đoạn di căn xa, lan đến hạch bạch huyết ở xa hoặc lan đến cơ quan khác như gan, phổi, tỷ lệ sống trong 5 năm chỉ còn 15,7%.
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng bao gồm tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh, người mắc đa polyp ruột già, viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, tuổi tác, chế độ ăn uống giàu chất béo, thịt đỏ, ít chất xơ từ rau quả, trái cây. Những người bị polyp đại tràng nếu không được chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư (như polyp đại trực tràng) và ung thư. Ảnh: Internet
Do đó, việc tầm soát ung thư đại trực tràng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh, bởi vì bệnh thường phát triển thầm lặng và hầu như không có triệu chứng sớm. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen kẽ táo bón, mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu không rõ lý do hoặc khi sờ thấy khối u ở bụng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nhóm cần tầm soát ung thư đại trực tràng gồm những người trên 50 tuổi và những người có tiền sử gia đình như bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh. Việc sàng lọc để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng có thể được thực hiện bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân ở những người có nguy cơ cao, người dân từ 50 tuổi trở lên, thực hiện mỗi năm một lần.
Đặc biệt, nội soi toàn bộ đại tràng là phương pháp tầm soát hiệu quả nhất hiện nay, vì vậy nên bắt đầu từ tuổi 50, kết hợp với xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Những trường hợp đã từng nội soi phát hiện polyp và đã được cắt bỏ cũng cần được tầm soát định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, cần tăng cường vận động thể chất và duy trì trọng lượng hợp lý. Hạn chế ăn mỡ và thịt động vật, đồng thời giảm chất béo trong chế độ ăn. Tăng cường tiêu thụ các chất xơ và hoa quả tươi hàng ngày, hạn chế thực phẩm muối, lên men, cá khô, nước tương và thịt xông khói. Ngoài ra, tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng. Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.