Một kim loại tăng nóng hơn cả vàng: Thế giới sắp cạn kiệt, Mỹ và Trung Quốc tranh nhau từng tí một

15-05-2024 19:08|Hoàng Yến

Kể từ đầu năm đến nay, giá của kim loại này đã tăng 20%. Trong khi đó giá vàng tăng khoảng 8%.

Sau khi một trong những nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới là First Quantum Minerals lâm vào cảnh kiệt quệ tài chính, nội các của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một động thái đáng chú ý: bắt đầu tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng và thảo luận về việc thâu tóm cổ phần của công ty này tại những mỏ ở Zambia.

Số cổ phần có giá trị vào khoảng 3 tỷ USD. Cuộc tìm kiếm không chỉ giới hạn trong các công ty Mỹ. Các công ty đến từ Nhật Bản, Saudi Arabia và UAE – những quốc gia được cho là thân thiện với lợi ích của Mỹ.

Mục tiêu mà Mỹ hướng đến rất đơn giản: ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát First Quantum Minerals cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của siêu cường châu Á này đối với nguồn cung các khoáng sản và kim loại quan trọng.

Một kim loại tăng nóng hơn cả vàng: Thế giới sắp cạn kiệt, Mỹ và Trung Quốc tranh nhau từng tí một
Thế giới đang thiếu đồng trầm trọng

Mỹ ráo riết tìm tài sản ở nước ngoài

Đây là một phần trong cuộc chạy đua đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó các cường quốc thi nhau tích trữ càng nhiều đồng càng tốt. Đồng chính là nguyên tố quan trọng bậc nhất trong quá trình sản xuất mọi thứ từ xe điện tới các trung tâm dữ liệu đang tiếp sức cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự kiện Tập đoàn BHP của Australia ra giá tới 43 tỷ USD để thâu tóm Anglo American (đã bị cơ quan quản lý từ chối thông qua vào đầu tuần này) càng cho thấy thế giới đang “khát” đồng như thế nào. Hiện đang niêm yết trên sàn London, Anglo American sản xuất rất nhiều hàng hóa từ kim cương tới nickel. Tuy nhiên, BHP đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tài sản đáng giá nhất của Anglo chính là những mỏ đồng.

Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến thương vụ này, bày tỏ lo ngại vụ M&A sẽ khiến nguồn cung đồng toàn cầu bị tập trung về một mối, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường. Ngoài ra Mỹ còn lo ngại Trung Quốc sẽ gây áp lực buộc BHP phải bán một số tài sản hoặc đồng ý bán nhiều đồng hơn cho nước này. Trong suốt mấy năm gần đây, Mỹ đã nỗ lực tăng cường nguồn cung các kim loại và khoáng sản đặc biệt quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.

Nhu cầu về đồng được dự báo sẽ tăng lên do một số mỏ đóng cửa hoặc thu hẹp công suất khai thác. Kể từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 20%. Trong khi đó giá vàng tăng khoảng 8%.

“Trên khắp thế giới, chúng ta không có nhiều nguồn cung mới xuất hiện. Tệ hơn, dù phát hiện 1 mỏ mới thì cũng phải mất từ 7 đến 15 năm để có được thành phẩm đầu tiên”, Amos Hochstein, một trong những cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden nhận định. Ông cùng với một nhóm nhỏ tại Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây liên tục bay tới nhiều nước trên toàn thế giới, gặp gỡ quan chức các nước giàu tài nguyên để tìm kiếm nguồn cung mới.

Một kim loại tăng nóng hơn cả vàng: Thế giới sắp cạn kiệt, Mỹ và Trung Quốc tranh nhau từng tí một
Một cơ sở khai thác ở Congo

Lợi thế của Trung Quốc

Mỹ không có cơ quan cấp Bộ phụ trách mảng khai khoáng, cũng không có quỹ đầu tư quốc gia hay những công ty quốc doanh khổng lồ. Điều đó khiến Mỹ gặp bất lợi trước Trung Quốc, nước có thể chỉ đạo các tập đoàn Nhà nước đầu tư mạnh vào ngành khai khoáng dù giá hàng hóa biến động như thế nào.

Chính phủ Mỹ sẽ phải làm việc với các công ty tư nhân (cả nội địa và nước ngoài), kết hợp với các nước bằng hữu có quỹ đầu tư quốc gia để thuyết phục họ đầu tư vào những tài sản mà nước này cho là sẽ có ích cho lợi ích quốc gia. Ví dụ, năm ngoái Mỹ và Saudi Arabia đã có các cuộc thảo luận về tiềm năng hợp tác để phát triển các dự án khai mỏ ở Congo. Theo đó Saudi Arabia sẽ sở hữu cổ phần ở các mỏ và các công ty Mỹ được đảm bảo quyền khai thác.

Mỹ cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Hành lang Lobito để phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các nước Angola, Congo và Zambia nhằm hỗ trợ các nước này xuất khẩu khoáng sản. Nỗ lực của Mỹ đã được đền đáp: tháng 12 năm ngoái, Zambia chọn một quỹ đầu tư của UAE làm đối tác chiến lược.

Để cạnh tranh với Trung Quốc ở châu Phi, Mỹ cam kết họ đang tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác thay thế cho mô hình đang phổ biến mà trong nhiều trường hợp dẫn đến kết quả là tham nhũng, môi trường bị tàn phá và tình trạng “nợ ngập đầu”.

Một kim loại tăng nóng hơn cả vàng: Thế giới sắp cạn kiệt, Mỹ và Trung Quốc tranh nhau từng tí một
Công nhân làm việc trong nhà máy khai thác đồng ở Zambia

Mỹ cũng thành lập một cơ quan liên bang có tên IDFC sẽ tài trợ cho các dự án ở nước ngoài. Năm ngoái IDFC đồng ý đầu tư 740 triệu USD cho ngành khai khoáng, tăng mạnh so với con số 245 triệu USD trước đó.

TechMet là một công ty đến Ireland đã nhận được khoản đầu tư của IDFC. Cơ quan này rót vào đây 105 triệu USD và đã trở thành cổ đông lớn thứ hai. Ngoài ra TechMet còn nhận được nguồn vốn của gia tộc Walton sau vòng huy động vốn định giá công ty hơn 1 tỷ USD.

“Chúng ta giống như đang ở trong thời Chiến tranh lạnh và phải chọn bên”, CEO TechMet, ông Brian Menell nói. TechMet sở hữu cổ phần ở nhiều công ty khai thác đủ loại khoáng sản gồm lithium, cobalt, nickel, vanadium và đất hiếm.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của Chính phủ, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng thâu tóm nhiều tài sản. Tính riêng tại các nước tham gia sáng kiến Vành đai Con đường, trong năm ngoái Trung Quốc đã chi hơn 19 tỷ USD đầu tư vào ngành này, tăng 158% so với năm 2022 và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2013.

>> Ngư ông đắc lợi: Trung Quốc thay thế Nga bán kim loại cho cả thế giới sau lệnh cấm vận của Mỹ

Mỏ 'kho báu' 10 tỷ USD bị buộc đóng cửa, một kim loại quý bỗng lên 'cơn sốt' khi giá cả tăng vọt

Mỹ, Anh cấm một số kim loại từ Nga: Giá kim loại tăng mạnh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-kim-loai-tang-nong-hon-ca-vang-the-gioi-sap-can-kiet-my-va-trung-quoc-tranh-nhau-tung-ti-mot-234928.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một kim loại tăng nóng hơn cả vàng: Thế giới sắp cạn kiệt, Mỹ và Trung Quốc tranh nhau từng tí một
    POWERED BY ONECMS & INTECH