Lệnh cấm vận kim loại của Mỹ và Anh đang đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc.
Mỹ và Anh vừa qua đã đã áp đặt các hạn chế mới đối với giao dịch các kim loại quan trọng do Nga xuất khẩu là nhôm, đồng và niken. Động thái này nằm trong nỗ lực làm giảm doanh thu xuất khẩu của Moscow và hạn chế năng lực tài chính quân sự của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine.
Đòn đánh kinh tế vào “cỗ máy chiến tranh”?
Các hạn chế này được áp dụng trên sàn giao dịch kim loại London (LME), nơi thiết lập mức giá giao dịch toàn cầu, và sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), lên các sản phẩm kim loại được sản xuất vào hoặc sau ngày 13/4. Đồng thời Mỹ cũng cấm nhập khẩu cả ba kim loại này của Nga.
Tuy nhiên, những động thái này sẽ có ảnh hưởng nhất định lên giá của các hợp đồng phái sinh trên sàn LME - giá chuẩn của thế giới. Những người mua kim loại ở nguồn ngoài Nga được bán với mức chiết khấu cao hơn so với các nhà cung cấp Nga, từ đó làm giảm thu nhập xuất khẩu vốn đã giảm từ 25 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 15 tỷ USD vào năm 2023 của Nga.
Kho kim loại của sàn giao dịch kim loại London (LME) |
Hiện nay, Nga là nước sản xuất chính đối với 3 kim loại quan trọng trong công nghiệp, chiếm khoảng 6% sản lượng niken, 5% nhôm và 4% đồng toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung của Nga chiếm tỷ lệ kim loại lớn hơn nhiều trên LME. Vào cuối tháng 3, kim loại của Nga chiếm 36% lượng niken, 62% lượng đồng và 91% lượng nhôm trong kho LME. Mặt khác, đối với palladium và titan, hai kim loại mà Nga là nhà cung cấp khổng lồ cho cả thế giới, lại không nằm trong danh sách hạn chế.
Sự phản đối trước đó đối với lệnh trừng phạt áp lên kim loại Nga xuất phát từ lo ngại về nguy cơ gián đoạn các ngành công nghiệp châu Âu, và lo ngại về khả năng Moscow có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung palladium, vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô của khu vực này.
>> Vàng tăng mạnh, các kim loại khác ra sao
Trung Quốc ‘ngư ông đắc lợi’
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh đối với kim loại của Nga sẽ khiến Trung Quốc trở thành người mua cuối cùng của Moscow đối với các mặt hàng quan trọng, đồng thời nâng cao vai trò của Thượng Hải như một địa điểm định giá các nguyên liệu quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Lệnh cấm vận đã biến Sàn giao dịch Thượng Hải - Shanghai Futures Exchange (SHFE) trở thành sàn giao dịch hàng hóa lớn duy nhất trên thế giới chấp nhận vận chuyển ba kim loại này của Nga.
Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) |
Wang Rong, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới Guotai Junan Futures Co có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Tính thanh khoản của kim loại Nga tại thị trường châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm và dòng chảy thương mại toàn cầu cũng sẽ được định hình lại”.
Kể từ năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu kim loại của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên đáng kể do cắt giảm nguồn cung trực tiếp và nhu cầu nguyên liệu đầu vào từ các nhà cung cấp thay thế.
Các giao dịch trên sàn LME đóng vai trò then chốt trong việc định giá toàn cầu nhưng phần lớn kim loại được mua và bán chủ động giữa các thợ mỏ, thương nhân và nhà sản xuất trên toàn thế giới. Chính phủ Mỹ và Anh có thể kiểm soát được nguồn đến và đi trong kho dự trữ của các sàn giao dịch này, nhưng không thể kiểm soát được nguồn cung thực sự đến từ đâu khi trữ lượng kim loại của Nga vẫn chiếm phần đáng kể.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã lợi dụng liên minh chiến lược của Bắc Kinh với Moscow để giành được chiết khấu đối với các nguyên liệu thô quan trọng, thanh toán bằng RMB (nhân dân tệ) để bỏ qua đồng USD, loại tiền tệ thường được thanh toán trong giao dịch.
Điều đó đã giúp Trung quốc ngăn chặn tác động lạm phát của cuộc chiến ở Ukraine, cũng như thúc đẩy mong muốn của Bắc Kinh nhằm lật đổ đồng bạc xanh với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Tuy vậy, với tình hình kinh tế ảm đạm của Trung Quốc hiện nay, dòng chảy hàng hóa Nga vào thị trường lớn thứ 2 thế giới cũng không hoàn toàn thuận lợi. Các nhà giao dịch kim loại Trung Quốc đã gặp khó khăn trong năm ngoái do nhu cầu yếu và số lượng giao dịch trên các kim loại như đồng chỉ mới hồi phục gần đây. Trung Quốc đã được hưởng lợi rõ ràng về thương mại từ các diễn biến và xung đột địa chính trị, tuy nhiên, những cơn sốt đầu tư kim loại và sự lạc quan của giới đầu tư không thể là liều thuốc thần kỳ có thể chữa khỏi bệnh cho nền kinh tế ảm đạm hiện nay.