Một mặt hàng tăng giá hơn 178% kể từ đầu năm đến nay, vượt xa mọi dự đoán
Điều gì đang khiến loại nông sản này tăng giá phi mã?
Mặt hàng bất ngờ ghi nhận mức tăng giá hơn 178% kể từ đầu năm là ca cao - thành phần chính làm nên món sôcôla yêu thích của hàng triệu người. Tính đến ngày 12/12/2024, giá ca cao trên thị trường quốc tế đã đạt mức cao kỷ lục 10.376,67 USD/tấn, vượt xa mọi dự đoán.
Nguyên nhân sự gia tăng đáng kể giá ca cao
Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) báo cáo tình trạng thiếu hụt ca cao toàn cầu là 462.000 tấn cho mùa vụ 2023/24, cho thấy nhu cầu đã vượt quá nguồn cung. Tracey Allen - một chiến lược gia về hàng hóa nông nghiệp tại J.P. Morgan cho biết: “Nhìn chung, cán cân ca cao thế giới đang hình thành ở mức thâm hụt khiêm tốn trong giai đoạn 2024/25 khoảng -100.000 tấn, so với mức thâm hụt kỷ lục khoảng -460.000 tấn trong giai đoạn 2023/24”.
Hạt của quả ca cao là thành phần chính để sản xuất sô cô la. Ảnh minh họa |
Mặc dù giá cao hơn, nhu cầu toàn cầu về sô cô la và các sản phẩm ca cao vẫn tiếp tục tăng, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng cung-cầu.
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi cho loại cây này. Các vùng sản xuất ca cao chính ở Tây Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà và Ghana, đã phải đối mặt với thời tiết bất lợi, bao gồm mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng xấu đến năng suất cây trồng. Mùa ca cao 2022/2023, tổng sản lượng ca cao của Ghana đã giảm 11% so với mục tiêu là 750.000 tấn do nhiều yếu tố khác nhau: Vào đầu mùa hè, giá đậu bắt đầu tăng do lượng mưa lớn ở Tây Phi. Không chỉ là 'lượng mưa lớn', mà là lũ lụt tàn phá đủ nghiêm trọng để phá hủy toàn bộ các vùng trồng trọt chính, cản trở nỗ lực canh tác của nông dân. Hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp liên tục trên các cánh đồng ca cao cũng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm.
Tần suất ngày càng tăng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm gián đoạn chu kỳ sản xuất ca cao, dẫn đến việc thu hoạch giảm và góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đồng thời, chi phí đầu vào tăng như phân bón và nhân công đã khiến việc trồng ca cao kém lợi nhuận hơn, làm giảm sản lượng và thắt chặt nguồn cung hơn nữa.
Cơ hội cho ngành ca cao Việt Nam
Việt Nam có khoảng 10.000-15.000 ha diện tích trồng ca cao, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, diện tích này đã giảm nhiều so với giai đoạn đỉnh cao vào năm 2010, khi đạt gần 25.000 ha, dẫn đến nguồn cung loại trái này năm nay ở mức thấp. Năm 2023, sản lượng ca cao của Việt Nam ước tính khoảng 6.000-7.000 tấn/năm hạt khô. So với các quốc gia xuất khẩu ca cao lớn, con số này rất nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng hạt ca cao Việt Nam được đánh giá cao, đặc biệt phù hợp với phân khúc ca cao chất lượng cao (fine cocoa). Điều này mở ra cơ hội cho sản phẩm ca cao Việt Nam tiếp cận các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Mỹ.
Tính đến ngày 12/12/2024, giá ca cao trên thị trường quốc tế đã đạt mức cao kỷ lục 10.376,67 USD/tấn, vượt xa mọi dự đoán |
>> Chinh phục siêu cường: Nông sản Việt lập kỳ tích trên đất Mỹ
Theo nhiều doanh nghiệp, vì lượng thiếu hụt từ châu Phi là quá lớn, hiện nhiều nhà sản xuất thế giới đang tìm đến Việt Nam để tăng lượng mua. Điều này làm tăng sự cạnh tranh cho thị trường, đây là cơ hội cho việc trồng và khai thác ca cao trong nước, đặc biệt dòng sản phẩm này của Việt Nam đang được các nhà thu mua trên thế giới ưa chuộng vì hương vị độc đáo.
Giá ca cao tươi bán xô (trừ trái sống, sâu thối) tại vườn hiện đạt phổ biến 11.500-13.000 đồng/kg tùy nơi, tăng gấp 2,5-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và được xem là mức giá cao kỷ lục trong hàng chục năm nay. Tương tự, giá hạt ca cao khô lên men cũng đang lập đỉnh với hiện đạt 165.000-185.000 đồng/kg tùy loại, tăng gần gấp đôi so với mức phổ biến của năm ngoái. Với giá bán hiện nay, nhiều nông dân cho biết có thể lãi 200-250 triệu đồng/ha ca cao, mức lợi nhuận tốt.
Doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo gặp khó
Nguồn cung giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đang tạo áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, sô cô la.
Nguồn cung ca cao toàn cầu đang thiếu hụt |
Đại diện Công ty Orion Vina, một trong những đơn vị có thị phần bánh kẹo lớn tại Việt Nam, chia sẻ: "Giá ca cao leo thang đã ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng ca cao như ChocoPie".
Bên cạnh đó cũng có thể kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm. Với giá ca cao cao kỷ lục, các nhà sản xuất buộc phải cân nhắc tăng giá bán, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Giá ca cao tăng 178% mang đến "cơ hội vàng" cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp sản xuất sôcôla, đây lại là bài toán hóc búa cần giải quyết để vừa duy trì hoạt động, vừa cân đối chi phí trong bối cảnh giá nguyên liệu tiếp tục leo thang.