Một ngành học ở Việt Nam đang 'khát' hơn 700.000 nhân lực, thị trường săn đón cực mạnh, lương thưởng hấp dẫn lên đến 200 triệu đồng/tháng
Ngành này đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhu cầu nhân lực rất lớn.
Ngành học “hot” trong những năm gần đây
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, An toàn thông tin đã trở thành một trong những ngành học "hot" nhất tại Việt Nam.
An toàn thông tin không chỉ đơn thuần là bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng mà còn đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và duy trì niềm tin của khách hàng. Những vụ tấn công mạng lớn trên thế giới đã khiến các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc đầu tư vào an ninh mạng.
Sinh viên theo học ngành An toàn thông tin sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin cùng với những kiến thức chuyên sâu về mạng máy tính, mã hóa, hệ thống thông tin và công nghệ an ninh mạng. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, xác định các lỗ hổng tiềm ẩn, đề xuất các biện pháp tăng cường an toàn và bảo mật cho các hệ thống. Ngoài ra, họ còn có thể xây dựng các chính sách an toàn thông tin để bảo vệ hệ thống một cách toàn diện.
Nhu cầu nhân lực cấp bách
Thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực an toàn thông tin là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thiếu nhân lực an toàn thông tin cũng đang là thách thức lớn của nhiều cơ quan, tổ chức. Từ các công ty công nghệ lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ các tổ chức tài chính đến các cơ quan chính phủ, tất cả đều cần đội ngũ chuyên gia an ninh mạng chất lượng.
Theo chia sẻ của ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhân lực an ninh mạng đang ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Hầu hết các cơ quan và tổ chức hiện nay đều giao trách nhiệm đảm bảo an ninh mạng cho nhân viên công nghệ thông tin, dẫn đến việc thiếu hụt cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 nhân sự làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin, trong khi nhu cầu thực tế lên tới 700.000 người.
Với khoảng 2.000 sinh viên ngành An toàn thông tin được bổ sung mỗi năm từ các cơ sở đào tạo, có thể thấy, nguồn nhân lực này vẫn như "muối bỏ bể" so với nhu cầu thực tế.
Các trường đào tạo ngành An toàn thông tin
Hiện tại, một số trường đại học đào tạo ngành An toàn thông tin uy tín có thể kể đến như:
Học viện Kỹ thuật Mật mã hiện đang đào tạo ba chuyên ngành chính trong lĩnh vực An toàn thông tin, gồm: An toàn hệ thống thông tin, Kỹ năng an toàn mạng và Công nghệ phần mềm an toàn. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển cho ngành này là 25,6 điểm đối với các tổ hợp môn A00, A01 và D90.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng là một trong những trường đào tạo ngành An toàn thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Ngành học này có ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023 là 26,04 điểm. Mức học phí cho ngành An toàn thông tin dao động từ 24,5 triệu đến 27,8 triệu đồng mỗi năm học.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP. HCM) đã tuyển sinh ngành An toàn thông tin năm 2023 với mức điểm chuẩn là 26,3 điểm, xét tuyển cho bốn tổ hợp môn A00, A01, D01, và D07. Trong khi đó, mức điểm chuẩn năm 2022 của ngành này cao hơn, đạt 26,95 điểm, xét tuyển cho bốn tổ hợp môn tương tự.
Bên cạnh đó, thí sinh có thể tham khảo ngành An toàn thông tin tại các trường đại học hàng đầu khác như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Cơ hội việc làm rộng mở cùng mức lương hấp dẫn
Nhu cầu về nhân lực an ninh thông tin ngày càng tăng cao do các doanh nghiệp và tổ chức ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ hệ thống thông tin của họ. Sinh viên tốt nghiệp ngành An toàn thông tin sẽ có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn khi có thể trở thành chuyên viên bảo mật và hệ thống tại các ngân hàng, trung tâm dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ internet; Chuyên viên phân tích và phòng chống mã độc; Chuyên viên tư vấn, phân tích, thiết kế hệ thống an toàn thông tin; Chuyên viên lập trình và phát triển phần mềm; Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin; Chuyên viên điều tra tội phạm mạng;…
Không chỉ có cơ hội việc làm rộng mở, sinh viên tốt nghiệp ngành An toàn thông tin còn có mức lương cao sau khi tốt nghiệp. Theo khảo sát của Trung tâm đào tạo An toàn thông tin Cyber Jutsu Academy (2022), mức lương trung bình của nhân sự có kinh nghiệm từ 1 - 3 năm dao động từ 15 - 40 triệu đồng/người/tháng. Sinh viên mới ra trường có mức lương trung bình từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Nếu bạn trẻ yêu thích làm việc trong lĩnh vực An toàn thông tin, có kiến thức và có kỹ năng sẽ được tuyển dụng với mức lương rất cao. Có thể gấp 3 - 4 lần so với kỹ sư công nghệ thông tin bình thường. Lương tối thiểu không dưới 30 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 200 triệu đồng".
Ngành An toàn thông tin tại Việt Nam đang trải qua một thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhu cầu nhân lực rất lớn. Đây là cơ hội vàng cho những ai đam mê và muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này. Với mức lương hấp dẫn và cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở, an toàn thông tin chắc chắn sẽ là một trong những ngành học được săn đón nhiều nhất trong những năm tới.