Một quốc gia siêu hẹp sắp bị nước biển 'xóa sổ' hoàn toàn, 95% diện tích ngập lụt
Trước những tín hiệu xấu, Chính phủ và người dân nước này đã đưa ra nhiều phương án ứng phó để đảm bảo an toàn.
Tuvalu được coi là một trong những quốc gia nhỏ bé và biệt lập nhất trên thế giới, trải dài trên một khu vực đại dương rộng lớn, bao phủ khoảng 900.000km2 của Thái Bình Dương. Đây là quốc gia có chiều rộng hẹp nhất thế giới, với chiều rộng trung bình chỉ 1,8km và điểm rộng nhất cũng chỉ đạt 5km. Sự đặc biệt này khiến Tuvalu trở thành điểm đến thú vị và thu hút nhiều du khách ghé thăm hàng năm.
Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Tuvalu một khung cảnh tuyệt đẹp, với những bãi biển cát trắng trải dài và làn nước biển trong xanh như ngọc. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp thơ mộng đó là một thực tế đầy khắc nghiệt. Tuvalu đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của quốc đảo này.
Theo dự báo tồi tệ nhất, đến cuối thế kỷ này, Thủ đô Funafuti của Tuvalu có nguy cơ chỉ còn là một bãi cát ngập nước. Các nhà khoa học ước tính rằng vào năm 2100, 95% diện tích Funafuti có thể bị ngập lụt hàng ngày. Vào năm 2050, người dân có thể không sống tại đây được nữa. Cuộc sống của người dân sẽ bị đảo lộn hoàn toàn, nhà cửa, trường học, bệnh viện và các công trình khác đều đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm. Quốc gia này đang trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, cảnh báo về những hiểm họa toàn cầu ngày càng rõ rệt. Tình hình này cho thấy Tuvalu đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng khi biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Một câu hỏi đặt ra là tương lai của những người dân sống ở Tuvalu sẽ đi về đâu. Vào tháng 9 năm ngoái, Hiến pháp của Tuvalu đã chính thức được sửa đổi, trong đó nêu rõ rằng nhà nước Tuvalu sẽ vẫn tồn tại, bất kể lãnh thổ thực tế có bị mất đi hay không. Đây có thể được xem là một tuyên bố kiên cường về sự tồn tại của Tuvalu như một quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra những cuộc thảo luận về việc đất nước này có thể sẽ phải di dời đến một nơi mới để đảm bảo an toàn.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Tuvalu - Maina Talia cho biết, chính quyền vẫn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân Tuvalu đưa ra lựa chọn trong tương lai. "Vai trò của chúng tôi với tư cách là Chính phủ là đảm bảo rằng chúng tôi giữ cho Tuvalu tồn tại vì nếu chúng tôi di cư đến các nơi khác trên thế giới, một ngày nào đó, con cái tôi sẽ hỏi tôi, Tuvalu ở đâu? Chúng ta đến từ đâu? Và Tuvalu đã biến mất khỏi mặt đất rồi" - ông chia sẻ.
Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Tuvalu đã ký kết một thỏa thuận hợp tác an ninh quan trọng với Úc. Theo đó, khoảng 280 người Tuvalu sẽ được cấp thị thực dài hạn để đến sinh sống, làm việc và học tập tại Úc mỗi năm. Đây là một bước đi thiết thực nhằm đảm bảo tương lai cho người dân trước nguy cơ lãnh thổ của Tuvalu biến mất.
Paulson Panapa - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Lao động và Thương mại Tuvalu cho biết: "Đây là những cơ hội quan trọng cho mọi người. Hoàn toàn là tùy chọn. Tùy thuộc vào người đó nếu họ muốn đến và sống ở Úc. Nhưng tôi nghĩ với tư cách là Chính phủ, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp các con đường để người dân có thể bắt đầu một cuộc sống mới ở Úc. Điều đó không có nghĩa là cuộc sống ở đây không tốt, nhưng cơ hội việc làm rất khó khăn".
Nhiều người dân Tuvalu đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sau tất cả, quốc gia "sắp biến mất" này vẫn đang ngày ngày chiến đấu để tìm ra lối thoát tốt nhất. Tuvalu là đất nước có diện tích 26km2 với khoảng 11.000 người sinh sống.