Sau gần một thập kỷ, HAGL đã dứt điểm được khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu và 9.400 tỷ đồng nợ vay ngân hàng.
Như đã thông tin trong loạt bài viết trước đó, giai đoạn từ nay đến năm 2026 sẽ là cao điểm để CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã HAG) thực hiện cam kết xóa lỗ lũy kế trong năm 2024 và xóa sách nợ vay tài chính trong năm 2026.
Dự án BĐS tại Myanmar là một trong những tài sản đã được HAGL chuyển giao trong hành trình xử lý nợ vay |
Tại ĐHCĐ thường niên ngày 10/5, trong phần thảo luận, đứng trước câu hỏi khi nào xóa được lỗ lũy kế, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT bộc bạch: "Lỗ luỹ kế là ám ảnh của tôi và của cổ đông lâu năm của HAGL nên xoá lỗ là quyết tâm của tôi. Nhưng cũng vì lỗ luỹ kế mà bị kiểm toán cảnh báo liên tục mấy năm nay...
Nhiều quỹ lớn tâm sự, nếu HAGL xóa được lỗ luỹ kế thì sẽ có nhiều quỹ đầu tư vào. Hiện lỗ luỹ kế đang là "rào cản" lớn của HAGL".
Đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của HAGL còn 14.137 tỷ đồng bao gồm gần 9.660 tỷ đồng phải trả ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ, dư nợ vay tài chính còn hơn 7.800 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tăng so với cuối năm 2023 và vượt mốc 7.000 tỷ trong đó lỗ lũy kế tiếp tục giảm còn 1.452 tỷ đồng.
Có gì từ những con số hiện tại?
Thực tế, so với các thông số kỷ lục ghi nhận tại thời điểm năm 2016, nợ phải trả của HAGL đã giảm khoảng 22.000 tỷ đồng trong đó nợ vay tài chính giảm gần 21.000 tỷ từ mức 28.000 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ vay, dư nợ dài hạn giảm từ 21.444 tỷ đồng về dưới 3.400 tỷ.
Chi tiết thêm, dư nợ trái phiếu đã giảm khoảng 10.000 tỷ đồng về còn 4.500 tỷ. BIDV và Chứng khoán ACB là hai chủ nợ còn lại với dư nợ lần lượt 4.250 tỷ đồng (đáo hạn cuối năm 2026) và 300 tỷ đồng (đáo hạn cuối tháng 9/2025). Đáng nói, đầu tháng 5 vừa qua, HAGL đã thanh toán dứt điểm lô trái phiếu liên quan đến ACBS.
Trong khi đó, dư nợ vay ngân hàng và vay khác của doanh nghiệp Phố Núi cũng giảm từ 11.800 tỷ đồng về dưới 2.400 tỷ. LPBank, TPBank và Sacombank là những chủ nợ còn lại.
Nói như chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức - "HAGL là doanh nghiệp tích cực trả nợ nhất sàn chứng khoán" - trong gần một thập kỷ "ngoi lên từ đống nợ", hàng loạt định chế tài chính trong nước như HDBank, VPBank, ACB, BVBank, BacABank, Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã được đưa ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất của HAGL với tư cách là các chủ nợ nhiều năm về trước.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2024 của HAGL |
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu vẫn duy trì trên 1 lần, song áp lực liên quan đến đòn bẩy tài chính hiện không còn quá nhiều, đặc biệt là áp lực từ phía chủ nợ.
Theo bầu Đức, HAGL chỉ còn khoản nợ đến hạn tại BIDV (liên quan đến lô trái phiếu còn 4.250 tỷ đồng dư nợ gốc). Số còn lại khoảng 3.000 tỷ đồng (nợ doanh nghiệp lành mạnh) dự kiến đến năm 2026 sẽ xử lý hết.
Tại cuộc gặp gỡ cổ đông hồi tháng 8/2023, ông Đức từng cho biết, BIDV đã đồng ý việc HAGL sẽ tập trung thanh toán các khoản nợ gốc, khoản lãi sẽ được đàm phán sau. "Giữa HAGL và BIDV có thỏa thuận riêng, từ rất lâu rồi", Chủ tịch HAGL chia sẻ.
Như vậy, áp lực lớn nhất lúc này là làm cách nào để ông Đoàn Nguyên Đức cùng HAGL kịp về đích kế hoạch như đúng cam kết?
>> Thỏa thuận với BIDV có thể giúp HAGL tiếp tục báo lãi đột biến?
28.300 nhân sự rời HAGL sau 4 năm: 'Phiên đi chợ' có lời của bầu Đức
HAGL (HAG) lên kế hoạch IPO một công ty từng bị coi là 'vứt đi'