Một thị trường lao động 'bị nhiễm bệnh'
Mặc dù “thị trường việc làm Gig” đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhưng khi nền kinh tế chung rơi vào tình trạng suy thoái, viễn cảnh tương lai hẳn sẽ rất mờ mịt đối với những lao động thời vụ.
Sự bùng nổ của “thị trường việc làm Gig”
Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hiện đang được duy trì ở mức thấp trong vòng 53 năm trở lại đây. Thế nhưng, đây dường như không phải là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hoạt động tốt với những việc làm chất lượng cao. Trên thực tế, số lượng người lao động tại Mỹ lựa chọn làm “công việc thời vụ” (Gig Work) vẫn đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, dù đây là một cách mưu sinh thường được gắn mác “vất vả và bất định”.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên nền tảng trực tuyến như DoorDash, Shipt, Uber hay Lyft cho biết “số lượng người lao động tham gia cung cấp dịch vụ trên mạng của họ đang phục hồi ổn định sau thời gian sụt giảm mạnh vào thời kỳ đầu đại dịch COVID – 19”. Chính những công việc như vậy đang hình thành nên “một nền kinh tế Gig”, nơi mà mọi việc làm đều là những vị trí tạm thời, bán thời gian, còn các công ty có xu hướng thuê lao động tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.
Không thể phủ nhận rằng “công việc thời vụ” có một số ưu thế vượt trội hơn so với những công việc truyền thống thông thường như thời gian làm việc linh hoạt, khối lượng công việc tùy ý theo khả năng cho phép. Những yếu tố này chính là điều kiện tiên quyết để người lao động có thể cân bằng được cuộc sống của chính mình, và là điểm thu hút ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào nhóm việc làm này. Bên cạnh đó, người lao động tại Mỹ cũng xem công việc này là “một nguồn thu nhập bổ sung” trong bối cảnh lạm phát đang liên tục tăng cao.
“Số người tham gia vào nền kinh tế Gig đang không ngừng tăng lên. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy người lao động đang tìm cách “đa dạng hoá” nguồn thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, công việc thời vụ xét cho cũng cũng chỉ nên được coi là một giải pháp tạm thời, bởi nó không đảm bảo được yếu tố bền vững”, bà Lexi Gervis, Giám đốc điều hành ứng dụng quản lý tài chính Steady, cho biết dựa trên dữ liệu phân tích người dùng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực mà nền kinh tế Gig mang lại. Việc các doanh nghiệp coi những người làm “công việc thời vụ” là đối tác thay vì nhân viên, sẽ là điều thiệt thòi đối với người lao động, bởi khi đó họ sẽ không được hưởng các quyền và lợi ích đi kèm như mức thuế hay bảo hiểm được chi trả. Giới quan sát nhận định rằng ranh giới giữa công việc thời vụ và những công việc truyền thống đang mờ dần, nhiều người dân Mỹ thậm chí đã coi “công việc thời vụ” chính là công việc chính của bản thân.
“Công việc toàn thời gian khiến tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng, đôi lúc tôi như bị dồn vào chân tường và không còn lối thoát. Chính vì vậy, tôi đã quyết định từ bỏ nó và theo đuổi những “công việc thời vụ” trên ứng dụng DoorDash và Instacart để tìm kiếm sự tự do trong cuộc sống”, cô Denae Bettis, 24 tuổi, từng là giám sát viên an toàn cho một công ty logistics hàng đầu tại Mỹ, chia sẻ về quyết định nghỉ việc của mình.
Cô Bettis tâm sự rằng: “Việc sống nhờ thu nhập từ nền kinh tế Gig là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, sau khi trải qua thời kỳ dịch bệnh mà hàng triệu người bị cướp đi sinh mạng, tôi đã tự hỏi chính mình rằng: Liệu có đáng để bản thân phải gắn bó với một công việc mà luôn khiến mình chịu áp lực hay không? Tôi tin rằng sự ổn định là rất tốt nhưng nếu ổn định mà không có sự tự do, linh hoạt thì không cần thiết”.
Thế nhưng, dù được coi là nguồn thu chính hay phụ, những “công việc thời vụ” cũng vẫn sẽ khiến người lao động bị gạt ra bên lề thị trường lao động chung. Một nghiên cứu về “thị trường việc làm Gig” đã chỉ ra rằng những người lao động thời vụ hầu hết đều sẽ nhận được mức lương thấp hơn đáng kể so với những đồng nghiệp làm việc toàn thời gian và được thuê chính thức, dù khối lượng công việc và vị trí đảm nhận là hoàn toàn ngang nhau.
“Nhiều người có thể sẽ nhìn vào và nói, “thị trường việc làm Gig thật tuyệt vời, người cần việc làm, doanh nghiệp cần người làm, đó là giải pháp hài hoà để đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, nếu nhìn ở bối cảnh rộng hơn, câu chuyện hoàn toàn không đi theo hướng đó. Trên thực tế, đây chỉ là cách để các công ty chuyển đổi chi phí và trốn tránh trách nhiệm kinh tế”, Giáo sư Daniel Schneider, chuyên gia nghiên cứu chính sách công tại Trường Kennedy Harvard, chỉ rõ.
Những hạn chế còn tồn tại
Theo số liệu thống kê từ dữ liệu liên bang và các nghiên cứu học thuật, hiện có khoảng 10 – 15% lao động tại Mỹ đang tham gia hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào “thị trường việc làm Gig”. Tuy nhiên, con số này trên thực tế có thể cao hơn mức ghi nhận, bởi một số thống kê cho thấy gần 1/3 lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thu nhập bổ sung từ loại hình công việc này.
Mặc dù “thị trường việc làm Gig” đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, nhưng một khi nền kinh tế chung rơi vào tình trạng suy thoái, viễn cảnh tương lại hẳn sẽ rất mờ mịt đối với những lao động thời vụ. Thực tế cho thấy, số lượng lao động trong “nền kinh tế Gig” đang không ngừng tăng lên, trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ đã sụt giảm rõ rệt do tình hình tài chính khó khăn. Khi cung vượt cầu, khách hàng giảm đơn đặt hàng, ít đi taxi hơn, những người phụ thuộc vào “công việc thời vụ” sẽ càng khó kiếm sống hơn.
“Khi thất nghiệp, không có thu nhập, nhiều lao động sẽ tìm đến những “công việc thời vụ” với mong muốn có một việc làm để trang trải cuộc sống. Đây chính là nguồn lao động giá rẻ mà hầu hết các công ty đều rất sẵn sàng đón nhận. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những gì tốt cho doanh nghiệp thường sẽ không tốt cho người lao động. Tuyển dụng ồ ạt không đồng nghĩa với việc công ty có thêm hợp đồng, do đó khối lượng công việc của lao động thời vụ rất có thể sẽ bị cắt giảm, và kéo theo đó thu nhập của họ cũng sẽ bị giảm đi”, anh Willy Solis, người từng là lao động thời vụ cho đơn vị giao hàng Shipt, nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Louis Hyman, tác giả của một cuốn sách viết về những góc độc của một nền kinh tế Gig, bản chất của thuật ngữ “công việc thời vụ” đã bị biến đổi, và nhận thức chung về loại hình công việc này cũng đã có những thay đổi nhất định. “Hiện nay, “công việc thời vụ” bị coi là một thuật ngữ gây khó chịu”, ông Hyman cho biết. “10 năm về trước, loại hình công việc này luôn đảm bảo được sự tự do cho người lao động. Nhưng giờ đây nó đã bị biến đổi, từ những công việc tự do, linh hoạt trở thành những công việc luôn đem đến sự bất an cho người lao động”.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhiều lao động thời vụ của các hãng vận tải như DoorDash, Instacart, Uber hay Lyft đã bày tỏ sự lo lắng về công việc của mình, khi mà thu nhập ngày càng ít ỏi còn các khoản chi phí lại ngày càng tăng cao. “Giờ tôi mới thấy rằng “công việc thời vụ” này không thực sự tốt đẹp như tôi tưởng. Thời gian trước, tôi có thể kiếm được 400 USD mỗi tuần nhờ công việc lái xe. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, số tiền tôi nhận về chỉ vào khoảng 100 – 150 USD sau khi trừ các khoản chi phí”, anh Eid Ali, một lái xe kiếm sống bằng “công việc thời vụ toàn thời gian”, cho biết. “Đối với những người lái xe như tôi, đó là một sự nhận thức chậm chạp”.
Lương thấp và môi trường làm việc đơn độc thiếu giao tiếp là một điểm trừ lớn của những công việc thời vụ, bán thời gian. Thế nhưng, một số chuyên gia nhận định, đây dường như cũng chính là chất xúc tác để “thị trường việc làm Gig” tiếp tục phát triển bất chấp những hạn chế còn tồn tại. “Loại hình công việc này về bản chất chỉ là “những ung nhọt” xuất hiện khi nền kinh tế và thị trường lao động “bị nhiễm bệnh”. Và khi muốn phục hồi, chính những lao động thời vụ sẽ là lực lượng bị loại bỏ đầu tiên nhằm cắt giảm chi phí vận hành”, nhà phân tích Louis Hyman nhấn mạnh.