Địa phương này đang từng bước trở thành đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi có vị trí mang tầm chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây; là cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua các tuyến đường Hành lang Đông - Tây.
Hiện nay, Quảng Ngãi là nơi đi qua của nhiều tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 24 (kết nối Tây Nguyên), cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.
>> Aeon Mall lớn nhất miền Trung sắp được khánh thành
Biển Dung Quất - Nàng công chúa ngủ quên của xứ Quảng |
Ngoài vị trí địa lý mang tầm chiến lược, Quảng Ngãi còn có đường bờ biển dài 130km, có cảng biển nước sâu Dung Quất mang tầm vóc của một cảng quốc tế, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT, tàu hàng 30.000-50.000 DWT.
Đáng chú ý, hệ thống cảng biển Dung Quất có những lợi thế cực lớn khi nằm trong vùng kín gió, với độ sâu 19-21 m, cách tuyến hàng hải quốc tế 90 km và tuyến nội hải 30km. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có cảng Sa Kỳ; cảng đảo Lý Sơn cách đất liền 30km, thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa trong khu vực và quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù Quảng Ngãi chưa có sân bay, nhưng sân bay Chu Lai (Quảng Nam) nằm cạnh Khu kinh tế Dung Quất và cách TP. Quảng Ngãi chỉ 35km, nên việc di chuyển đường hàng không từ Quảng Ngãi đến các nơi khác trên cả nước hết sức thuận lợi.
Nhờ phát huy được những tiềm năng, lợi thế, cộng hưởng với các định hướng xây dựng phát triển kinh tế, Quảng Ngãi đang từng bước vươn lên trở thành một trong những đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh cho biết, thời gian qua, tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành Trung ương, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Theo đó, trong năm 2023, GRDP theo giá hiện hành của tỉnh tăng trưởng mạnh, đạt 125.500 tỷ đồng, trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khi đứng thứ 2/5 tỉnh vùng động lực miền Trung (sau Đà Nẵng), đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố miền Trung (sau Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng), đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Đáng chú ý, trong nhiều năm liền, thu ngân sách của Quảng Ngãi luôn ở top đầu khu vực 14 tỉnh, thành phố miền Trung. Trong năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 28.632 tỷ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao. Trước đó, năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt 33.929 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngay trong tháng 1/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã thu ngân sách đạt hơn 3.800 tỷ, trong đó các chỉ số sản xuất công nghiệp, giá tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng cao.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong tháng 1/2024, kinh tế- xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,06% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,26% so với tháng 12/2023 và tăng 2,21% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu trong tháng đều tăng. Tổng thu ngân sách tháng 1/2024 đạt hơn 3.800 tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm, tăng 33,6% so với tháng 1/2023.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 5.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hơn 1.200 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến hết tháng 1/2024 là hơn 206 tỷ đồng, đạt 3,3% kế hoạch năm.
>> Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam sắp khởi công tổ hợp Khu đô thị mới 35.000 tỷ đồng
Một thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách hơn 45.700 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng
Thu ngân sách Nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt hơn 30.000 tỷ đồng trong tháng 1