Mỹ ‘lên tiếng’ khiến thương mại Nga-Trung chậm lại, chuyện gì đã xảy ra?
Các vấn đề về thanh toán giữa Nga và Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu khiến hoạt động thương mại giữa hai nước mất đà.
Sau 1 năm tăng trưởng nhanh chóng, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này xảy ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc e ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ do xung đột Nga-Ukraine.
Theo số liệu được Hải quan Trung Quốc công bố trong tháng 9, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 8 tháng đầu năm là 158,5 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại khi một số tổ chức tài chính Trung Quốc hạn chế kết nối với Nga trước áp lực từ Washington. Kể từ khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hồi tháng 2/2022, hoạt động thương mại với Trung Quốc và đồng nhân dân tệ đã trở nên quan trọng đối với nền kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, trái ngược với sự bùng nổ của năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga chỉ đạt 71,91 tỷ USD trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2023. Và giá trị nhập khẩu từ Nga đạt 86,56 tỷ USD, tăng 3,2%.
Chen Fengying, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) cho biết sự tăng trưởng chậm lại chủ yếu là kết quả của các vấn đề về thanh toán trong bối cảnh lệnh trừng phạt từ Mỹ áp lên Nga đang ngày càng có sức nặng.
Bà cho biết: “Vấn đề không phải là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, mà là những thách thức trong việc giải quyết các vấn đề do quyền tài phán rộng rãi của Mỹ”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 1/3 kim ngạch thương mại nước ngoài của Nga vào năm ngoái. Trung Quốc cũng cung cấp một thị trường béo bở cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga, từ dầu khí đến các sản phẩm nông nghiệp.
Tổng giá trị thương mại giữa hai nước đạt 240 tỷ USD trong năm 2023, đánh dấu mức tăng lịch sử 26,3% so với năm trước. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng, chiếm phần lớn trong các giao dịch song phương giữa hai nước lại bắt đầu chậm lại trong năm nay.
Số liệu Hải quan cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu, mặt hàng quan trọng nhất trong thương mại Trung Quốc-Nga cũng giảm trong 3 tháng liên tiếp từ tháng 5 đến tháng 7.
Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 7,46 triệu tấn sản phẩm này từ Nga vào tháng 7, đánh dấu mức giảm 7,47% so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 19,66% vào tháng 6.
Xuất khẩu thiết bị vận tải, bao gồm xe cộ đã giảm 11,32% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu tháng thứ 3 trong năm chứng kiến mức tăng trưởng âm. Điều đó diễn ra sau mức tăng ba chữ số ở hầu hết các tháng trong nửa cuối năm ngoái.
Trung Quốc đang chịu áp lực từ Mỹ vì khối lượng thương mại ngày càng tăng với Nga. Vào tháng 6, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Italy, các quan chức Mỹ đã cảnh báo các ngân hàng Trung Quốc rằng có thể họ sẽ phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp vì tạo điều kiện cho các khoản thanh toán với Nga.
Hồi đầu năm, một số ngân hàng như Ngân hàng CITIC Trung Quốc và Ngân hàng Bank of China đã rút lui khỏi các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với Nga.
Bà Chen cho biết mức giảm trong năm nay là "khá đáng kể" và bà kỳ vọng tổng kim ngạch lượng thương mại giữa hai nước sẽ trở lại mức 200 tỷ USD trong năm nay.
“Mức 200 tỷ USD là mức bình thường và không thể giảm xuống dưới mức đó trừ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây và giải quyết được xung đột ở Ukraine”, bà cho biết.
Nếu điều đó xảy ra, nó có thể dẫn đến bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Nga và các quốc gia châu Âu, theo đó, hoạt động buôn bán dầu mỏ rộng rãi hơn của Nga có thể được nối lại, bù đắp cho sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc.
"Chắc chắn Nga sẽ tiến về phía Tây nếu Mỹ nới lỏng một chút", bà Chen nhận định.
Ông He Zhenwei, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hải ngoại Trung Quốc, đồng ý rằng các vấn đề về thanh toán giữa Nga và Trung Quốc phần lớn là nguyên nhân khiến hoạt động thương mại giữa hai nước mất đà.
Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik của Nga vào tháng 6 rằng mặc dù mục tiêu của Mỹ đã chuyển sang các ngân hàng Trung Quốc nhỏ hơn nhưng vẫn có một số ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đang hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch.
Theo ông, mặc dù chậm hơn, nhưng sự gia tăng trong hoạt động thương mại giữa hai quốc gia vẫn chứng tỏ rằng các thỏa thuận vẫn đang được tiếp tục và có nhiều kênh hơn để thúc đẩy điều này.
Tham khảo SCMP
‘Người anh em Trung Quốc’ của TikTok trở thành “đế chế” mới trong lĩnh vực thương mại điện tử
Trung Quốc độc quyền đất hiếm - sự lợi hại trong các cuộc chiến thương mại