Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới: Fed tăng lãi suất 11 lần nhưng GDP vẫn tăng vượt trội, nguyên nhân do đâu?
Lạm phát đã giảm xuống, nhưng nền kinh tế vẫn chưa hề có dấu hiệu đi xuống chút nào.
Nếu như dự định của Fed khi tăng lãi suất liên tục trong 18 tháng vừa qua là để hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì dường như người tiêu dùng Mỹ nhất định không đồng tình với điều đó. Họ có 1 ý tưởng khác.
Dữ liệu được công bố tuần trước cho thấy GDP Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III, mức mạnh nhất kể từ quý IV/2021. Đây không phải là lần đầu tiên những số liệu về GDP Mỹ vượt trội so với những dự báo ảm đạm của các chuyên gia kinh tế. Nhưng điểm đặc biệt khiến nhiều người ngạc nhiên nằm ở những gì Fed đã làm trong thời gian vừa qua.
Trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, kể từ tháng 3/2022, Fed đã 11 lần điều chỉnh tăng và đưa lãi suất lên mức cao nhất 22 năm. Lãi suất 5,25 – 5,5% là một phần trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế và chiến đấu chống lại lạm phát.
Kết quả là lạm phát đã giảm xuống, nhưng nền kinh tế vẫn chưa hề có dấu hiệu đi xuống chút nào.
Tăng trưởng GDP Mỹ qua các quý |
Theo lý giải của tờ Financial Times, sự kiên cường bất thường của kinh tế Mỹ xuất phát từ 1 lực đẩy lớn: chi tiêu tiêu dùng. Tiêu dùng là động lực lớn nhất thúc đẩy GDP quý III, đóng góp hơn một nửa đà tăng trưởng. Thị trường lao động khỏe mạnh đã giúp người lao động tự tin chi tiêu, mua sắm. Và hơn nữa, thứ tạo nên sự bùng nổ này là người tiêu dùng cảm thấy họ đang có trong tay rất nhiều tiền mặt.
Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nationwide nhận xét: “Giá nhà đang ở mức rất cao, cổ phiếu tăng giá, kể cả nếu không có tài sản thì người Mỹ vẫn còn nhiều tiền tiết kiệm liên quan đến đại dịch”.
Tuy nhiên, giống như các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách khác, Bostjancic dự đoán động lực này sẽ sớm mất đà. Đặc biệt là khi các đợt tăng lãi suất bắt đầu làm giảm sức mua. Các hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ sớm cảm nhận được gánh nặng chi phí đi vay tăng lên sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc chạm đỉnh cao nhất nhiều năm.
Thậm chí ở thời điểm hiện tại đã có một vài dấu hiệu xuất hiện. Ví dụ, các chuyên gia kinh tế nhận định phần nhiều trong số hơn 2.000 tỷ USD tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong đại dịch đã được rút ra. Hơn nữa, có lẽ phần lớn đang tập trung trong tay các hộ gia đình giàu có hơn thay vì đại trà. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu thận trọng hơn.
Ngay cả trong số liệu GDP quý III cũng đã có một số tín hiệu không tốt. Đầu tư tài sản cố định giảm 0,1% so với quý trước và đã giảm trong 3/4 quý gần nhất.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán GDP mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý tới và chạm đáy ở mức 0,2% trong quý I/2024. Một số người, ví dụ như Ian Shepherdson của Pantheon Economics còn đưa ra dự báo tăng trưởng âm.
Dẫu vậy, liệu kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái là câu hỏi gây ra rất nhiều tranh cãi.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khẳng định các số liệu mới nhất “không có bất kỳ dấu hiệu suy thoái nào” nhưng bà cũng phải thừa nhận rằng có rất ít khả năng đà tăng trưởng ấn tượng của quý III sẽ lặp lại. Chủ tịch Fed Jay Powell cũng khẳng định vẫn có khả năng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
USD tăng quá mạnh, nhiều nước châu Á buộc phải tăng lãi suất
Giá vàng thế giới nối dài chuỗi tăng ba tuần liên tiếp, vượt mốc 2.700 USD/ounce
Giá cà phê hôm nay 18/1/2025: 2 sàn đồng loạt tăng, Robusta thêm cả trăm USD/tấn