Mỹ vẫn là cường quốc số 1 thế giới, lạm phát hạ nhiệt nhưng vì sao người dân vẫn cảm thấy tồi tệ?
(Thị trường tài chính) - Mâu thuẫn giữa số liệu lạm phát chính thức và trải nghiệm thực tế của người tiêu dùng Mỹ đang gây ra làn sóng bất mãn. Doanh nghiệp đối mặt với thách thức cân bằng giữa lợi nhuận và niềm tin của khách hàng trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Nhiều thương hiệu tiêu dùng lớn ở Mỹ đang phải đối mặt với sự thất vọng sâu sắc của khách hàng do giá cả tăng cao và lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, đang vấp phải chỉ trích gay gắt trên nền tảng TikTok vì triển khai nhãn kệ kỹ thuật số cho phép thay đổi giá nhanh chóng, được xem là một cách để tăng giá linh hoạt.
Chuỗi thức ăn nhanh Wendy's cũng gặp phải phản ứng dữ dội và sụt giảm doanh thu sau khi CEO của hãng này đề xuất áp dụng "giá động" tại các cửa hàng, tức là tăng và giảm giá dựa trên nhu cầu của người mua. Trong khi đó tại chuỗi cửa hàng Chipotle, tình hình căng thẳng đến mức khách hàng bắt đầu quay phim và ghi âm để đảm bảo nhân viên không cắt giảm phần ăn của họ.
Hiện nay, nhiều nhà bán lẻ, nhà hàng và công ty tiêu dùng Mỹ chứng kiến doanh số giảm đáng kể khi người mua cắt giảm chi tiêu do áp lực tài chính. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp thuyết phục khách hàng rằng họ cung cấp ưu đãi tốt nhất trên thị trường. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các chương trình giảm giá, khuyến mại và bữa ăn “tiết kiệm”.
Mặc dù vậy, giáo sư Jean-Pierre Dubé, chuyên gia về marketing tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, nhận xét: "Người tiêu dùng đã chán ngấy với cảnh giá cả cao và sản phẩm “co rút” như lừa đảo. Họ thấy những mặt hàng nhỏ hơn trên kệ, phải trả thêm phí cho các dịch vụ, và cảm thấy áp lực phải boa tiền cho những thứ mà trước đây họ không cần làm vậy. Chúng ta đã đạt đến đỉnh điểm của vấn đề này".
Nhận thức lệch lạc về lạm phát
Các công ty cung cấp hàng tạp hóa lập luận rằng nhận thức của người tiêu dùng về lạm phát bị lệch lạc. Theo dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá hàng tạp hóa chỉ tăng 1% trong năm qua. Tuy nhiên, khi nhìn xa hơn, giá thực phẩm tại nhà đã tăng hơn 24% kể từ tháng 5/2019, gây áp lực đáng kể lên túi tiền của người tiêu dùng và làm dấy lên sự tức giận đối với các công ty.
Mặc dù lạm phát đang hạ nhiệt và thị trường việc làm vẫn mạnh, thúc đẩy thu nhập thực tế theo giờ cho người lao động khu vực tư nhân, nhưng các chi phí quan trọng khác như tiền điện và tiền thuê nhà vẫn tăng đáng kể trong 12 tháng qua, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn tài chính của nhiều hộ gia đình.
Ông David Chavern, chủ tịch của Consumer Brands Association, một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty lớn như Coca-Cola và Procter & Gamble, nhận định: "Mọi người liên tục trải nghiệm giá cả của các sản phẩm tiêu dùng, và điều đó có xu hướng tập trung vào những gì họ nhớ là đã mua lần cuối cùng. Nhưng thực tế, những gì đang diễn ra trong cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc không phải là nguồn gây ra lạm phát vật chất chính trong 12 đến 18 tháng qua."
Cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew vào tháng 5 cho thấy 62% người lớn ở Hoa Kỳ cho rằng lạm phát là "một vấn đề rất lớn ở đất nước này hiện nay", cao hơn bất kỳ vấn đề nào khác được hỏi, bao gồm cả nhập cư bất hợp pháp, bạo lực súng đạn và tội phạm bạo lực. Đáng chú ý, tỷ lệ này gần như không thay đổi so với năm ngoái, khi 65% người Mỹ có cùng quan điểm, cho thấy sự lo ngại về lạm phát vẫn dai dẳng.
Lạm phát cũng trở thành chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống sắp tới. Cựu Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden về tình trạng này, trong khi Biden phản công bằng cách cáo buộc các công ty tham lam là nguyên nhân gây ra giá cả cao.
Người tiêu dùng vẫn cảm thấy thất vọng khi phải trả nhiều tiền hơn so với trước đây, dù số liệu chính thức cho thấy lạm phát hàng tạp hóa có thể đã trở lại mức trước đại dịch. Dianna Campbell, một nhà sản xuất truyền hình 69 tuổi tại Manhattan, chia sẻ rằng bà nhận thấy giá cả tăng và duy trì ở mức cao, từ bột giặt đến bữa ăn tại nhà hàng. Bà phàn nàn: "Bạn phải trả nhiều tiền hơn, nhưng lại nhận về ít hơn và chất lượng thì tệ hơn."
Vấn nạn "shrinkflation"
Thuật ngữ "shrinkflation" (lạm phát thu hẹp) đã trở nên phổ biến trong năm qua, chỉ việc các công ty cắt giảm kích thước sản phẩm rất tinh vi nhưng vẫn giữ nguyên giá. Hiện tượng này đã được đề cập rộng rãi trong văn hóa đại chúng và các cuộc tranh luận chính trị. Thậm chí, cả nhân vật hoạt hình Cookie Monster hay cuộc tranh luận bầu cử giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đều đã nhắc đến vấn đề này.
Nhiều nhà bán lẻ, bao gồm cả Walmart, bị cáo buộc áp dụng chiến lược này với các sản phẩm nhãn hiệu riêng. Ví dụ, Walmart đã cắt giảm số lượng tờ trong cuộn khăn giấy Great Value từ 168 xuống còn 120 mà không giảm giá, mặc dù công ty lập luận rằng họ đã cải tiến chất lượng sản phẩm.
Để thu hút khách hàng trở lại, nhiều nhà bán lẻ và nhà hàng đang tăng cường các chương trình giảm giá và đưa ra ưu đãi mới. Walmart tuyên bố đã giảm giá gần 7.000 mặt hàng thực phẩm trong quý đầu năm. Amazon, chủ sở hữu của Whole Foods, đã giảm giá khoảng 25% các mặt hàng trong sáu tháng qua. Các chuỗi thức ăn nhanh như McDonald's, Starbucks và Burger King cũng đã công bố các bữa ăn giá trị mới để kích cầu.
Các công ty hàng tiêu dùng đóng gói cũng đang điều chỉnh chiến lược khi doanh số chậm lại. Mondelez, chủ sở hữu của các thương hiệu như Oreos và Clif bars, đang lên kế hoạch khuyến mãi cho các sản phẩm như Chips Ahoy! và giảm giá một số kích cỡ đóng gói lớn hơn để đối phó với sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhãn hiệu riêng giá rẻ.
Kroger, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ, cũng ý thức được rõ xu hướng đó Tổng giám đốc điều hành của Kroger - Rodney McMullen cho biết các thương hiệu đang chi nhiều tiền hơn để giảm giá cho khách hàng và thúc đẩy khối lượng bán ra. Ông nhận xét rằng mức độ khuyến mại hiện nay tương tự như tình cảnh trước đại dịch.
Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu các nỗ lực này của các công ty có thể xoa dịu sự phẫn nộ tràn lan của người tiêu dùng hay không. Kể cả khi các chương trình khuyến mãi và giảm giá bắt đầu có hiệu lực, vẫn sẽ cần thời gian để đánh giá tác động thực sự của chúng đối với tâm lý và hành vi mua sắm vốn dĩ đã eo hẹp khiến trụ cột quan trọng nhất trong GDP của Mỹ là tiêu dùng chao đảo.
Theo Wall Street Journal