Năm 2022 liệu có lặp lại tình trạng “sốt đất”?

22-12-2021 14:36|Tuệ Lâm

Những tháng vừa qua, đặc biệt là thời điểm cuối năm, tình trạng “sốt đất” diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước. Liệu tình trạng này có lặp lại trong năm 2022?

Một khảo sát của DKRA Vietnam cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, TP. HCM và 5 tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) có 10 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường 671 sản phẩm, tăng đến 77,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sức cầu chung toàn thị trường có sự gia tăng đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 54% nguồn cung mới, tăng 55,8% so với tháng 10/2021 và 33% so với tháng 11/2020.

Còn theo ghi nhận từ dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, sự quan tâm của khách hàng đối với phân khúc đất nền năm nay tăng 19% so với năm trước, tập trung tại các thị trường phía Bắc như Bắc Ninh tăng 41%, Hưng Yên tăng 45%, Hòa Bình tăng 53%, Thái Nguyên tăng 123%...

Đi kèm mức độ quan tâm, mặt bằng giá cũng có sự ảnh hưởng. Số liệu của đơn vị này cho thấy, có những khu vực giá rao bán tăng đáng kể như Hòa Bình vượt hơn 100%, Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%, Thái Nguyên tăng 57%, Huế hơn 74%, Quảng Nam 37%...

Thị trường bất động sản (BĐS) dịp cuối trở nên sôi động trở lại cùng với loạt động thái “chạy nước rút” của các doanh nghiệp bất động sản. Cơn “sốt đất” ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước lại nổi lên khiến các nhà đầu tư quay cuồng.

Việc 4 lô “đất vàng" ở Thủ Thiêm với tổng diện tích hơn 30.000 m2 đã được bán thành công với số tiền kỷ lục hơn 37.350 tỷ đồng trong khi giá khởi điểm cả 4 khu chỉ 5.300 tỷ đồng (tức cao gấp 7-8 lần giá ban đầu) được dự báo sẽ đẩy giá bất động sản ở khu vực Thủ Thiêm nói riêng và giá các loại đất ở TP. HCM nói chung tăng vọt trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng được xem là một kênh tham chiếu mới để các chủ dự án xác lập tâm lý tăng giá bán ra trong tương lai.

Trong năm 2021 cũng ghi nhận tình trạng “sốt đất” ở nhiều nơi như: Quảng Trị, Đồng Nai, Hà Nội…

Khó xảy ra hiện tượng sốt đất như năm 2021

Mặc dù nhu cầu đầu tư bất động sản của người dân trong 2022 được dự báo vẫn còn rất lớn nhưng khi thảo luận về khả năng xuất hiện tình trạng sốt đất như thời điểm trước, đa số các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này có thể khó xảy ra trong năm 2022.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, năm nay, thị trường xuất hiện nhiều cơn “sốt đất” là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.

sot-dat-2.jpg
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV.

Trong Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2021 vừa diễn ra, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi tốt hơn trong năm 2022 - 2023.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm sau, thậm chí, nếu thực hiện tốt các chương trình phục hồi, GDP có thể tăng 6,5 - 7%. Kinh tế chuyển biến tích cực sẽ giúp sức cầu của thị trường bất động sản tăng trưởng theo.

Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh chiến lược phát triển nhà ở 2021-2030; đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được thúc đẩy; các vấn đề pháp lý đang được tháo gỡ dần, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh…

Cùng với những tín hiệu trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư do trải qua nhiều cơn sốt đất nên đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Vậy nên trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường Đại học Kinh tế TP. HCM, nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, sang đến năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.

sot-dat-1.jpg
Ông Huỳnh Phước Nghĩa.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Năm 2022 sẽ là năm Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho dự án. Ngay cả tại TP. HCM cũng chỉ ưu tiên một số lĩnh vực trọng yếu nên các chiến lược giá từ chủ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân sẽ ổn định và ít biến động hơn". 

Cùng nhận định về hiện tượng “sốt đất” liệu có xảy ra trong năm 2022 hay không, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo, trong năm 2022, giá bất động sản sẽ đi vào thực tế hơn, tập trung ở những khu vực với những công trình phát triển bền vững. Mặt bằng giá bất động sản sẽ được điều chỉnh lại phụ thuộc vào tiến độ triển khai công trình.

Bên cạnh đó, ông này cũng nhận định, xu hướng dòng tiền vì lo ngại yếu tố dịch bệnh mà sẽ khó đi xa. Nhà đầu tư thận trọng hơn cũng là yếu tố khiến bất động sản khó tạo sóng lớn.

Đấu giá đất vẫn 'nóng', chuyên gia kiến nghị giải pháp ngăn chặn đầu cơ thổi giá

Khu đất gây sốt vùng ven tiếp tục được đấu giá

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nam-2022-lieu-co-lap-lai-tinh-trang-sot-dat-120947.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Năm 2022 liệu có lặp lại tình trạng “sốt đất”?
    POWERED BY ONECMS & INTECH