Nam Định bỏ phương án đặt tên xã, phường theo số thứ tự
Tỉnh Nam Định đề xuất phương án đặt tên xã, phường mới sau sắp xếp theo hướng gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương thay vì gắn với số thứ tự như trước đó.
Vừa qua, dự thảo ban đầu về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nam Định năm 2025 có đề xuất đặt tên xã, phường mới sau sắp xếp theo kiểu tên huyện, thành phố kèm số thứ tự khiến nhiều người dân cảm thấy băn khoăn, tiếc nuối.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ người dân, tỉnh Nam Định đã quyết định điều chỉnh phương án này và đưa ra đề xuất giữ lại những tên gọi gắn với văn hóa, lịch sử của địa phương.
Theo đề án mới ban hành hôm nay (24/4), tỉnh sẽ sắp xếp 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 14 phường, 146 xã và 15 thị trấn) còn 57 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 8 phường, 49 xã).
Tên gọi các xã, phường mới sau sắp xếp sẽ giữ nguyên tên 1 đơn vị hành chính cấp xã trước sáp nhập như xã Hồng Quang, xã Liên Minh, xã Hải Anh, hoặc đặt tên gọi mới gắn với văn hoá, lịch sử địa phương như phường Thiên Trường, phường Thành Nam,…
"Tên làng, tên xã không chỉ để gọi, mà để nhớ, để thương"
Trước đó, theo dự thảo ban đầu, tỉnh đề xuất đặt tên gọi xã, phường mới gắn theo kiểu đánh số như Nam Định 1, Nam Định 2, Vụ Bản 1, Vụ Bản 2, Ý Yên 3...
Hình thức đặt tên theo số thứ tự tưởng chừng đơn giản, dễ quản lý nhưng lại gây ra nhiều băn khoăn trong cộng đồng.
Nhiều người dân địa phương bày tỏ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, cách đặt tên gọi phường xã sau sáp nhập có nhiều lựa chọn, cần được cân nhắc thấu đáo.

Ông Phạm Trọng Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Tiến, huyện Ý Yên bày tỏ quan điểm: “Tên làng, tên xã là hồn cốt của cả vùng đất. Đó không chỉ là tên để gọi, mà còn để nhớ, để thương.
Việc đặt tên xã, phường theo số thứ tự có thể giúp thuận tiện trong một vài thao tác hành chính, nhưng cũng cần chú ý là phát triển dựa trên bản sắc riêng. Tên gọi mang theo ký ức, bản sắc văn hóa, giúp người dân tự hào, gắn bó và có trách nhiệm hơn với nơi mình sống nên không thể xem nhẹ việc đặt tên”.
Nhiều ý kiến khác bày tỏ mong muốn giữ tên một trong các xã được sáp nhập. Hoặc, trong trường hợp đặt tên mới, nên lựa chọn tên thể hiện đặc trưng vùng đất, như tên di tích, tên danh nhân, hoặc tên ghép có ý nghĩa, phản ánh được văn hóa, lịch sử địa phương.
>>Đặt tên xã, phường có gắn số thứ tự: Người dân lên tiếng, địa phương hành động
Dự kiến tên 57 xã, phường tại Nam Định sau sắp xếp
Tỉnh Nam Định sẽ có kết nối thuận lợi tới biển Đông và gia tăng liên kết đến tỉnh dự kiến sáp nhập