Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 2 quý liên tiếp và theo lý thuyết thì suy thoái kinh tế đã xảy ra.
Dữ liệu từ Văn phòng thống kê Đức (Destatis) ngày 25/5 cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm nhẹ trong quý 1/2023 so với quý 4/2022, đưa nước này rơi vào suy thoái.
Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm, sau khi đã giảm 0,5% trong quý 4 năm ngoái.
Một nền kinh tế thường được cho là suy thoái khi trải qua hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Vì vậy, trên lý thuyết, Đức đã rơi vào suy thoái.
Tình trạng hiện tại tiêu cực hơn do với các ước tính hồi tháng 4 cho rằng nước này sẽ tránh được một cuộc suy thoái trong gang tấc với mức tăng trưởng trì trệ ở ngưỡng 0%.
Ảnh: Reuters. |
Reuters trích dẫn ông Andreas Scheuerle, một nhà phân tích tại DekaBank, cho biết: “Dưới sức nặng của lạm phát khủng khiếp, người tiêu dùng Đức đã khuỵu gối và kéo theo toàn bộ nền kinh tế đi xuống”.
Bản thân Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cũng cho rằng lạm phát tiếp tục là một gánh nặng với nền kinh tế nước này vào đầu năm nay. Điều này được phản ánh trong hoạt động chi tiêu của hộ gia đình, với mức giảm 1,2% trong quý I so với quý trước đó.
“Sự lưỡng lự trong chi tiêu của các hộ gia đình thể hiện ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tiêu ít hơn cho đồ ăn, thức uống, quần áo, giày dép, đồ nội thất. Bên cạnh đó, người dân cũng mua ít xe điện hơn khi các ưu đãi bị rút dần", thông báo của Văn phòng Thống kê Đức cho biết.
Bên cạnh đó, chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9% so với quý trước trong khi xuất khẩu tăng nhẹ 0,4% và nhập khẩu giảm 0,9%.
Ngược lại, đầu tư lại tăng lên trong 3 tháng đầu năm nay, sau khi suy yếu trong nửa cuối năm ngoái. Ngoài ra, thương mại cũng có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Về dự đoán cho tương lai gần, chính phủ Đức dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,4% trong cả năm 2023. Tuy nhiên, trên thực tế, lạm phát nước này vẫn trên 7% và khó hạ nhanh khi lương nhân công tăng đang gây sức ép lên giá cả, theo Ngân hàng Trung ương Đức. Chi phí vay ngân hàng tại Đức đang ngày càng đắt đỏ và quá trình nâng lãi của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn chưa hoàn tất. Việc này có thể khiến tăng trưởng bị kéo tụt.
Do vậy, các nhà kinh tế cảnh báo rằng sức mua giảm, đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp yếu hơn, lãi suất tăng cùng việc tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các quốc gia như Mỹ đều có thể dẫn đến hoạt động kinh tế trì trệ của Đức trong những tháng tới.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất vốn đóng vai trò chủ chốt trong kinh tế Đức sẽ chịu tác động lớn nhất. Nếu kinh tế Đức suy yếu thêm, khả năng hồi phục của ngành này trong vài quý tới sẽ mong manh hơn.