Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới bất ngờ sử dụng 'chiêu kép' trong lúc đàm phán thuế quan nghẹt thở
Những người am hiểu quá trình đàm phán nhấn mạnh họ không tiết lộ cụ thể danh sách các mặt hàng Mỹ mà Ấn Độ sẵn sàng giảm mạnh thuế nhập khẩu, do các cuộc thương lượng vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể vấp phải phản ứng từ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong nỗ lực tránh bị Mỹ áp thuế 26% lên toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ ngày 9/7, Ấn Độ đang đàm phán một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Washington, trong đó đề xuất giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhưng vẫn giữ nguyên hàng rào thuế quan cao với các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm như ngũ cốc và sữa.
Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đang tìm kiếm một giải pháp "cân bằng lợi ích" giữa việc nhượng bộ Mỹ và bảo vệ các ngành then chốt trong nước. Một nguồn tin cho biết: “Có khả năng Ấn Độ sẽ giảm thuế rất sâu theo thỏa thuận thương mại song phương – nhưng chỉ khi kết quả mang lại lợi ích cho cả hai phía”.
Những người am hiểu quá trình đàm phán cũng nhấn mạnh họ không tiết lộ cụ thể danh sách các mặt hàng Mỹ mà Ấn Độ sẵn sàng giảm mạnh thuế nhập khẩu, do các cuộc thương lượng vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể vấp phải phản ứng từ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, họ tiết lộ các nhà đàm phán của Ấn Độ đã thể hiện sự linh hoạt đối với những mặt hàng nông sản ít nhạy cảm hơn, chẳng hạn như hạnh nhân – hiện đang chịu mức thuế lên tới 120%. Ngoài ra, New Delhi cũng có thể cắt giảm thuế nhập khẩu từ 2,5 đến 3% đối với dầu khí nhập khẩu.

Theo các quan chức thương mại Ấn Độ, bất kỳ nhượng bộ nào dành cho Mỹ cũng sẽ phần nào tương tự như các điều khoản trong các Hiệp định thương mại gần đây. Chẳng hạn, trong thỏa thuận với Vương quốc Anh được ký kết trong tháng này, Ấn Độ đã đồng ý giảm thuế đối với rượu mạnh, ô tô – bao gồm cả xe điện và linh kiện – cũng như hàng hóa kỹ thuật.
Những thông tin được tiết lộ cho thấy đề xuất của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ không đáp ứng được kỳ vọng mà Tổng thống Donald Trump đưa ra hồi tháng trước, khi ông tuyên bố rằng: "Họ đã đề nghị một thỏa thuận mà về cơ bản là không thu thuế của chúng ta nữa".
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đàm phán của Ấn Độ vẫn giữ lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa mì, gạo, ngô và các sản phẩm từ sữa - những ngành tạo việc làm cho hàng triệu người dân trong nước. Hiện tại, Ấn Độ đang áp thuế 70–80% đối với gạo Mỹ và 30–60% với các sản phẩm sữa từ Mỹ.
Ở chiều ngược lại, New Delhi đã yêu cầu Washington giảm thuế với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sử dụng nhiều lao động của Ấn Độ như đá quý và trang sức, hàng dệt may, giày dép, đồ da và hàng thủ công mỹ nghệ.
Chính phủ của Thủ tướng Modi cũng đang thúc đẩy một đề xuất quan trọng khác: Miễn đóng góp an sinh xã hội cho lao động Ấn Độ được cử sang Mỹ làm việc ngắn hạn. Đây là yêu cầu từng được đưa ra trước đây, và Ấn Độ mới đây cũng đã đạt được một nhượng bộ tương tự trong thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh.
Bộ Thương mại Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về tiến trình đàm phán. Phía Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng chưa có phản hồi chính thức khi được liên hệ.
Đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã tạm hoãn trong 90 ngày việc áp thuế “đáp trả” với Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, song vẫn giữ mức thuế nhập khẩu phổ thông 10% đối với tất cả hàng hóa.
Hiện tại, Ấn Độ - quốc gia có mức thuế bình quân thuộc hàng cao nhất thế giới - đang gấp rút tìm kiếm một thỏa thuận khung thương mại với Mỹ. Tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal đã gặp người đồng cấp Mỹ Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer tại Washington.
Hai nước tuyên bố đặt mục tiêu ký kết giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại song phương vào mùa thu năm nay, đồng thời nâng kim ngạch thương mại song phương lên hơn 500 tỷ USD vào năm 2030.
Là nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã nhiều lần bảo vệ thành công các lĩnh vực nông nghiệp nhạy cảm, đặc biệt là sữa, trong các Hiệp định thương mại gần đây – bao gồm cả thỏa thuận với Australia năm 2022. Hiện nay, Ấn Độ có gần 200.000 hợp tác xã sữa, với khoảng 15 triệu thành viên, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ.
Theo thông tin mới cập nhật, Ấn Độ đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Dữ liệu mới công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, GDP danh nghĩa của Ấn Độ ước tính đạt khoảng 4,34 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2024 – cao hơn mức 4,23 nghìn tỷ USD của Nhật Bản.
Tham khảo FT
Ấn Độ dùng xe tăng T-72 trong cuộc giao tranh với Pakistan
Trung Quốc tăng tốc xây đập thủy điện cho Pakistan sau khi Ấn Độ dọa chặn nguồn nước