Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đối mặt khủng hoảng gạo chưa từng có: Bộ trưởng từ chức, Thủ tướng Ishiba lâm thế khó
Giá gạo tại Nhật Bản tăng vọt giữa lúc chuỗi cung ứng đứt gãy và lạm phát kéo dài không chỉ đẩy đời sống người dân vào khó khăn mà còn tạo áp lực chính trị lớn lên Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba.
Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giá gạo nghiêm trọng, đặt Thủ tướng Shigeru Ishiba vào thế khó trong bối cảnh chính trị nhạy cảm trước thềm bầu cử toàn quốc vào tháng 7.
Gạo là lương thực thiết yếu của người dân Nhật. Giá gạo đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, gây áp lực nặng nề lên ngân sách các hộ gia đình và buộc nhiều người phải chuyển sang các nguồn thực phẩm thay thế. Một số trường học thậm chí đã cắt giảm khẩu phần cơm trong bữa trưa – một động thái hiếm hoi tại quốc gia coi dinh dưỡng học đường là nền tảng phát triển trẻ em.
Khủng hoảng giá lương thực đã trở thành vấn đề nan giải đối với Đảng Dân chủ Tự do kể từ khi ông Ishiba lên nắm quyền. Căng thẳng chính trị càng leo thang sau phát ngôn gây tranh cãi của Bộ trưởng Nông nghiệp, người tuyên bố ông chưa từng phải mua gạo do được các nhà tài trợ cung cấp quá nhiều – thậm chí đủ để bán. Chỉ ba ngày sau, ông buộc phải từ chức.

Hiện Thủ tướng Ishiba đang nỗ lực kiểm soát tình hình, tránh để khủng hoảng lương thực trở thành đòn giáng mạnh vào uy tín cá nhân cũng như chính phủ của ông.
Tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Ishiba đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, theo các cuộc thăm dò từ nhiều hãng tin lớn tại Nhật Bản. Khủng hoảng chi phí thực phẩm đã châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu chính phủ có nên giảm thuế tiêu dùng để hỗ trợ người dân hay không. Đây cũng là cơ hội để các đảng đối lập tăng cường sức ép, khi liên tục chỉ trích cựu Bộ trưởng Nông nghiệp vì thiếu nhạy bén với đời sống người dân giữa bối cảnh vật giá leo thang.
“Chính sách về gạo sẽ là một yếu tố then chốt trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới”, Giáo sư danh dự Kazunuki Ohizumi, chuyên gia về chính sách nông nghiệp tại Đại học Miyagi, nhận định. “Giá gạo tăng liên tục phần lớn là do những sai lầm trong quản lý của Bộ Nông nghiệp. Phát ngôn của Bộ trưởng chỉ khiến tình hình thêm nghiêm trọng".

Chính phủ đã cố gắng kiểm soát giá bằng cách tung ra một phần gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, vốn được lưu giữ để đối phó với thiên tai. Tuy nhiên, biện pháp này không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Dù đã bán hơn 200.000 tấn ngũ cốc cho các nhà phân phối vào tháng 3, chỉ khoảng 11% lượng gạo thực sự đến được tay người tiêu dùng. Phần lớn còn lại bị giữ lại trong chuỗi cung ứng.
Vào tháng trước, Chính phủ tiếp tục phát hành thêm 100.000 tấn, nhưng giá gạo vẫn đạt mức cao kỷ lục vào ngày 5 tháng 5. Theo giáo sư Katsuhito Fuyuki, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Đại học Tohoku, lo ngại về sản lượng thu hoạch sụt giảm trong năm nay đang làm trầm trọng thêm tình hình.
“Giá giao dịch giữa các đại lý đã tạm thời giảm vào tháng 3, nhưng thị trường nhanh chóng nhận ra rằng việc giải phóng dự trữ không đủ lực tác động, khiến giá tăng trở lại trong tháng 4,” ông Fuyuki phân tích. “Trừ khi chính phủ phát tín hiệu rõ ràng rằng nguồn cung gạo mới sẽ dồi dào, giá khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn.”
Giá gạo tại Nhật Bản tiếp tục leo thang bất chấp sản lượng thu hoạch năm ngoái tăng. Theo báo cáo từ các đại lý thu mua, lượng gạo họ có thể mua từ nông dân lại sụt giảm, cho thấy chuỗi cung ứng đang gặp trục trặc nghiêm trọng. Trong khi đó, giá gạo chuẩn trên thị trường châu Á đã giảm 13% từ đầu năm, càng làm nổi bật tình trạng bất thường tại Nhật.
Tân Bộ trưởng Nông nghiệp Shinjiro Koizumi tuyên bố sẽ tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống cung ứng và không loại trừ khả năng tiếp tục giải phóng gạo từ kho dự trữ quốc gia một cách linh hoạt hơn.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo nguồn cung gạo”, ông Koizumi khẳng định trong cuộc họp báo tối thứ Tư. “Chính phủ sẽ làm tất cả trong khả năng để bình ổn giá và đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận gạo với mức giá hợp lý”.
Tuy nhiên, giải pháp nhập khẩu lại là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị. Không giống nhiều mặt hàng khác, gạo tại Nhật Bản chịu mức thuế rất cao nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp nội địa – vốn là lực lượng cử tri then chốt của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Tuy vậy, trong bối cảnh áp lực từ phía Hoa Kỳ gia tăng, Thủ tướng Ishiba đã phát tín hiệu rằng Nhật Bản có thể cân nhắc nới lỏng chính sách nhập khẩu như một hình thức nhượng bộ.
Bất chấp rào cản thuế quan, giá gạo nội địa cao đã mở ra cơ hội cho các nhà nhập khẩu. Tập đoàn bán lẻ Aeon Co. Ltd. thông báo kế hoạch tung ra thị trường loại gạo nhập khẩu từ California với giá thấp hơn khoảng 15% so với mức giá trung bình của gạo nội địa.
“Loại gạo mới này được ra mắt đúng thời điểm người tiêu dùng cần nhất”, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản George Glass phát biểu trong sự kiện quảng bá gạo Calrose tổ chức tuần trước.
Trong bối cảnh lạm phát kéo dài làm xói mòn niềm tin tiêu dùng, các đảng đối lập đang đẩy mạnh chiến dịch kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế tiêu dùng như một biện pháp tức thời để hỗ trợ người dân. Đề xuất này, nếu được thông qua, có thể gia tăng sự ủng hộ của công chúng trong thời điểm chính trị nhạy cảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Shigeru Ishiba kiên quyết bác bỏ ý tưởng này, viện dẫn tình trạng tài chính bấp bênh của đất nước. Ông cảnh báo rằng ngân sách Nhật Bản thậm chí đang ở trong tình trạng "tệ hơn cả Hy Lạp", nếu xét về mức nợ công và các nghĩa vụ tài chính dài hạn.
Theo nhà kinh tế trưởng Toshihiro Nagahama tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, việc hạ thuế tiêu dùng xuống 5% — theo đề xuất của Đảng Dân chủ vì Nhân dân — có thể giúp hộ gia đình trung bình giảm gánh nặng chi tiêu khoảng 141.000 yên mỗi năm. Biện pháp này cũng có thể giúp nâng GDP thực tế thêm khoảng 1,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, chuyên gia Nagahama cũng cảnh báo rằng mức giảm thuế này sẽ kéo theo sự sụt giảm đáng kể về nguồn thu ngân sách nhà nước.
Một phương án khác đang được thảo luận là miễn thuế tiêu dùng đối với thực phẩm, trong khi vẫn giữ nguyên đối với các mặt hàng còn lại — một giải pháp nhằm cân bằng giữa hỗ trợ người dân và duy trì ổn định tài khóa.
“Điều quan trọng nhất là người dân muốn thấy giá gạo giảm,” giáo sư Kazunuki Ohizumi từ Đại học Miyagi nhấn mạnh. “Để đạt được điều đó, cần có các biện pháp mạnh cả trước mắt lẫn lâu dài. Ngay cả hành động khẩn cấp lúc này cũng có thể tạo ra khác biệt đáng kể".
Nhật Bản khủng hoảng giá gạo, Việt Nam đón cơ hội vàng?
Sa thải 10.000 người, đóng cửa vài nhà máy: Chuyện gì xảy ra với ông lớn ô tô Nhật Bản?