Tuyên bố 'chưa từng phải mua gạo' trong lúc người dân khốn khổ vì giá gạo, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản buộc phải từ chức
Vụ việc càng khiến chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba lao đao khi tỷ lệ ủng hộ đang ở mức thấp chưa từng thấy, giữa lúc lạm phát tăng, thuế tiêu dùng không được điều chỉnh và đàm phán thương mại với Mỹ vẫn bế tắc.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto đã tuyên bố từ chức vào hôm 21/5 sau làn sóng phẫn nộ từ công chúng liên quan đến phát ngôn rằng ông chưa từng phải mua gạo.
Trong một sự kiện hôm 18/5, Eto cho biết ông nhận được nhiều gạo từ những người ủng hộ và “chưa bao giờ phải mua” – lời bình luận gây tranh cãi trong bối cảnh người dân đang vật lộn với giá gạo tăng vọt.
Nhật Bản đã đối mặt với tình trạng giá gạo leo thang trong nhiều tháng qua do thời tiết bất lợi và chính sách lâu nay nhằm bảo hộ nông dân trong nước khiến nguồn cung bị bóp nghẹt.
Việc Eto từ chức diễn ra trong lúc chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện mùa hè này, cùng lúc các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ vẫn đang bế tắc. Theo NHK World, cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi sẽ đảm nhận vị trí thay thế.

Khảo sát của Kyodo News công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của ông Ishiba đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 27,4% khi cử tri ngày càng bất mãn vì Chính phủ không kiểm soát được giá gạo và bác bỏ đề xuất giảm thuế tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Dù Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã tung kho dự trữ quốc gia để bình ổn giá, biện pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả đáng kể.
Trong tuần kết thúc ngày 11/5, giá gạo tại khoảng 1.000 siêu thị trên toàn quốc tăng lên mức cao kỷ lục. Một bao gạo 5kg tăng thêm 54 yên so với tuần trước, lên mức 4.268 yên (tương đương 29,63 USD).
Ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, nhận định việc giá gạo tăng mạnh phản ánh hậu quả kéo dài của mùa màng thất bát năm ngoái, trong khi tiêu dùng nội địa gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung trong nước.
Giáo sư Sayuri Shirai thuộc Đại học Keio giải thích tình trạng thiếu hụt còn bị trầm trọng thêm bởi thực tế phần lớn gạo tại Nhật được sản xuất bởi người già cao tuổi trên những trang trại nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Bà cũng lưu ý số lượng nông dân đang sụt giảm do dân số già hóa.
“Người Nhật ưa chuộng gạo Nhật. Họ không thích gạo nhập khẩu”, bà nói, cho biết thêm rằng nền kinh tế gạo của Nhật vẫn gần như biệt lập với thị trường toàn cầu bởi các hàng rào thuế quan cao nhằm bảo vệ nông dân.
Thêm vào đó, nhu cầu gạo trong nước đã tăng mạnh nhờ lượng du khách quốc tế cao kỷ lục.
Ông Takuji Okubo, kinh tế trưởng tại Japan Risk Forum, cho rằng một phần nguyên nhân giá tăng là do tâm lý hoảng loạn khiến hộ gia đình và doanh nghiệp tích trữ gạo.
Dù một số nhà bán lẻ đã công bố kế hoạch nhập khẩu gạo, Okubo nhận định việc người tiêu dùng và doanh nghiệp không quen với gạo ngoại sẽ khiến nguồn cung này khó giúp hạ nhiệt thị trường.
Bà Shirai cũng lưu ý rằng đồng yên yếu đang khiến thực phẩm nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Theo nền tảng dữ liệu Tridge, Nhật Bản hiện nhập khẩu khoảng 60% nguồn cung thực phẩm. Mức tự chủ thực phẩm của nước này chỉ đạt 38%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45% mà Chính phủ đặt ra cho năm tài khóa 2030.
Theo CNBC