Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân ngậm ngùi chịu cảnh lương thấp, nhiều trẻ em chỉ ăn 2 bữa/ngày

Lam Vy 17/07/2025 - 19:15

Phần lớn phụ huynh đơn thân được hỏi cho biết việc thiếu vắng các bữa ăn trưa do nhà trường cung cấp trong kỳ nghỉ dài khiến họ không thể xoay xở chi phí thực phẩm đang tăng chóng mặt.

Nhiều trẻ em Nhật Bản phải "ăn ít" trong kỳ nghỉ hè do giá thực phẩm tăng cao

Một số lượng ngày càng lớn trẻ em trong các gia đình đơn thân tại Nhật Bản đang chỉ ăn hai bữa hoặc ít hơn mỗi ngày trong kỳ nghỉ hè. Điều này xảy ra trong bối cảnh giá thực phẩm và các chi phí sinh hoạt khác không ngừng leo thang, gây áp lực nặng nề lên các hộ gia đình vốn đã chật vật xoay xở. Đây là kết quả khảo sát mới được công bố bởi tổ chức phi lợi nhuận Good Neighbors Japan có trụ sở tại Tokyo.

Cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu tháng 6, với sự tham gia của 2.105 phụ huynh và người giám hộ – tất cả đều là đối tượng đang nhận hỗ trợ từ chương trình ngân hàng thực phẩm “Good Gohan”, cung cấp lương thực miễn phí cho các gia đình đơn thân có thu nhập thấp. Trong số những người tham gia khảo sát, 96,1% là phụ nữ, hơn một nửa trong độ tuổi 40.

Phần lớn người được hỏi cho biết việc thiếu vắng các bữa ăn trưa do nhà trường cung cấp trong kỳ nghỉ dài khiến họ không thể xoay xở nổi chi phí thực phẩm đang tăng chóng mặt.

screenshot-2025-07-17-140720.png
Một số lượng ngày càng lớn trẻ em trong các gia đình đơn thân tại Nhật Bản đang chỉ ăn hai bữa hoặc ít hơn mỗi ngày trong kỳ nghỉ hè

Cụ thể, 61,3% số người được khảo sát cho rằng tài chính gia đình “trở nên khó khăn hơn rất nhiều” trong kỳ nghỉ hè, trong khi 36,4% nói rằng tình hình “có phần khó khăn hơn”. Biện pháp ứng phó phổ biến nhất – được 62,9% người áp dụng là giảm lượng thức ăn của chính bản thân phụ huynh, trong khi một số cho biết ngay cả trẻ nhỏ cũng bắt đầu phải nhịn ăn.

“Tôi chỉ nấu ăn cho con và sống bằng thức ăn thừa của chúng. Con trai lớn của tôi đang học cấp hai và tôi thấy xót xa khi nó cố tình ăn ít lại”, một phụ huynh viết. Một người khác chia sẻ: “Kỳ nghỉ đông năm ngoái, tôi hầu như không ăn gì và cuối cùng ngất vì đau bụng. Bây giờ tôi cố gắng ăn ít nhất một bữa mỗi ngày”.

Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em chỉ ăn hai bữa hoặc ít hơn mỗi ngày trong kỳ nghỉ tăng gấp 2,5 lần so với thời gian đi học, lên tới 32,2%. Khoảng 90% số người được hỏi cho rằng việc chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng ngày càng khó khăn hơn so với trước thời kỳ lạm phát gần đây.

Một mối lo lớn được nêu bật là giá gạo tăng mạnh. “Giá thực phẩm quá đắt, trong khi các con đang trong độ tuổi cần dinh dưỡng nhất. Tôi không có thời gian để xếp hàng mua gạo giảm giá, và tôi lo giá rau mùa hè sắp tới sẽ còn tăng nữa”, một phụ huynh than thở.

Good Neighbors Japan cho biết nhiều hộ gia đình đang phải đối mặt với loạt khó khăn chồng chất: Thu nhập thấp, việc làm không ổn định và thiếu thời gian chăm sóc con cái. Khoảng một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ làm công việc không chính thức, với thu nhập dưới 2 triệu yên mỗi năm (tương đương khoảng 350 triệu đồng).

“Tình trạng này đe dọa cả sự phát triển của trẻ lẫn sức khỏe của người lớn”, tổ chức này cảnh báo trong một thông cáo. Để ứng phó, tổ chức cho biết sẽ mở rộng quy mô phát thực phẩm trong kỳ nghỉ hè sắp tới.

Mức sống tại Nhật Bản thấp kỷ lục trong 15 năm qua

Chưa hết, tỷ lệ người dân Nhật Bản cho rằng điều kiện sống của họ cải thiện so với một năm trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm, theo khảo sát hàng quý mới được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố trong tháng 6.

Cụ thể, chỉ số đo mức độ hài lòng về cuộc sống – được tính bằng cách lấy tỷ lệ người cảm thấy cuộc sống tốt hơn so với một năm trước trừ đi tỷ lệ người cho rằng tệ hơn – đã giảm xuống còn âm 57,2. Đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khảo sát vào tháng 9 năm 2009.

So với khảo sát gần nhất vào tháng 3, con số này giảm thêm từ mức âm 52 – cho thấy xu hướng tiêu cực đang gia tăng.

screenshot-2025-07-17-140726.png
Tỷ lệ người Nhật cho rằng cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn đã tăng lên 61,0%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với lần khảo sát trước

Tỷ lệ người cho rằng cuộc sống của họ trở nên tồi tệ hơn đã tăng lên 61,0%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với lần khảo sát trước. Ngược lại, chỉ có 3,8% nói rằng họ sống khá hơn, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm. Trong số những người cho rằng điều kiện sống đi xuống, có tới 93,7% nêu nguyên nhân là do giá cả tăng cao. Khảo sát cũng cho thấy 70,5% người dân nhận định tình hình kinh tế hiện tại tệ hơn so với một năm trước.

Khi được hỏi dự đoán giá cả sẽ tăng bao nhiêu trong vòng một năm tới, người dân trả lời mức trung bình là 12,8% – tăng so với mức 12,2% trong khảo sát trước đó, và là mức cao nhất kể từ khi dữ liệu so sánh bắt đầu được thu thập vào tháng 9 năm 2006.

Tỷ lệ người cho rằng giá cả trong nước đã tăng so với năm ngoái giữ ở mức 96,1%, gần như không thay đổi so với khảo sát trước. Khảo sát lần này được thực hiện từ ngày 1/5 đến 3/6, với đối tượng là công dân từ 20 tuổi trở lên trên khắp Nhật Bản.

Tham khảo JPT

>> Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: GDP bất ngờ lao dốc, giá gạo tăng với tốc độ không tưởng

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'lung lay': Hàng loạt nhà máy đóng cửa, người dân ngậm ngùi chịu cảnh lương thấp

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Hàng loạt dự án nhà ở không ai mua, người dân chật vật chịu cảnh lương thấp

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-4-the-gioi-lung-lay-nguoi-dan-ngam-ngui-chiu-canh-luong-thap-nhieu-tre-em-chi-an-2-buangay-146994.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới lung lay: Người dân ngậm ngùi chịu cảnh lương thấp, nhiều trẻ em chỉ ăn 2 bữa/ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH