'Nếu sức khỏe không tốt thì đi bác sĩ, nhưng nếu sức khỏe tài chính không tốt thì phải làm sao?'
Ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam cho biết, thị trường hiện nay chỉ dừng ở chức năng rất đơn giản như giới thiệu sản phẩm.
“Nếu hôm nay chúng ta sức khỏe không tốt, thì chúng ta sẽ đi bác sĩ, vào bệnh viện nếu cần. Nhưng về tài chính thì sao? Nếu sức khỏe tài chính không tốt thì sao? Hầu hết chúng ta đang phải tự giải quyết lấy vì chưa có bác sĩ tài chính. Nếu có đi nữa, thì cũng chưa thực sự kinh nghiệm và có nhiều khả năng để làm điều này”.
Đây là phát biểu của ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam tại “Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024” được tổ chức ngày 22/6 do Học viện Ngân hàng phối hợp Hiệp hội tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) tổ chức.
Ông Hans Nguyễn - Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam tại “Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024” (Ảnh chụp màn hình livestream - Học viện Ngân hàng) |
“Nếu mà mình bệnh mà không có ai giúp đỡ, phải tự lo sẽ khổ sở và nguy hiểm đến mức nào. Tài chính cũng không khác lắm. Công sức mọi người gây dựng một tài sản lớn hay nhỏ qua nhiều năm và lỡ xảy ra lỗi… tài sản đi hết! Nếu so sánh với sức khỏe về thể chất, điều này giống như bị đột quỵ về tài chính, thậm chí là chết vì tài chính do không có khả năng phục hồi”, Cố vấn trưởng Dragon Capital chỉ ra.
Do đó, tại bài tham luận của mình, ông Hans Nguyễn nhấn mạnh sự cấp bách, tầm quan trọng của những nhà hoạch định tài chính cá nhân giống như các bác sĩ tài chính.
Những nhà hoạch định rất chuẩn mực, có khả năng và đáng tin cậy này sẽ hỗ trợ người dân khỏi tình huống “đột quỵ tài chính”. Nếu không có, người dân vẫn phải loay hoay, tự chữa bệnh về tài chính cho mình.
Ông cho biết, việc đi sâu vào tư vấn, cung cấp giải pháp tài chính ngắn, trung và dài hạn thì thị trường chưa làm được (Ảnh chụp màn hình livestream - Học viện Ngân hàng) |
Nói về thực trạng hiện tại, để tìm ra đơn vị cung cấp được những tư vấn có giá trị, có thể giúp đỡ được người dân thì mới chỉ dừng lại ở chức năng rất đơn giản như giới thiệu sản phẩm. Đi sâu vào tư vấn, cung cấp giải pháp tài chính và đầu tư ngắn, trung, dài hạn thì thị trường chưa làm được.
“Nhiều đơn vị tài chính rất lớn, đầu ngành thị trường vẫn chưa làm tốt việc tư vấn tài chính. Thậm chí, tôi từng làm việc với ngân hàng có tới 500 nhân viên chăm sóc khách hàng nhưng chỉ có không tới 10% trong số họ làm tốt nhiệm vụ, 90% còn lại chỉ biết giới thiệu sản phẩm, thậm chí bán hàng thôi. Hàng này có giúp được khách hàng không, họ không quan tâm”, ông Hans nói.
Ông Hans Nguyễn nhấn mạnh việc, hiện nay các tổ chức tài chính đa phần đang bị xung đột, bất cập về mô hình, cụ thể là người bán hàng và người tư vấn. Việc này rất khó giải quyết, các định chế muốn tiếp cận được dòng vốn của khách hàng, cần phải tách rõ ràng hai vai trò này trong hoạt động .
“Cần chuyển dịch sang xu thế tư vấn giải pháp, thay vì bán hàng như trước đây và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính cần phải tách rõ từng nhóm khách hàng, từng nhu cầu để có giải pháp phù hợp” ông Hans Nguyễn chia sẻ thêm.
Xác thực sinh trắc học: Phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh sửa trên gương mặt có gặp khó?
CEO ACB: Nhân viên ngân hàng sợ nhất là các cuộc gọi lúc nửa đêm, đầu giờ sáng