Ngày 21/5, Báo Lao động phối hợp với Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.
Tại hội thảo, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho biết, không riêng gì thẻ tín dụng, ở tất cả các thị trường tài chính trên thế giới, tỷ lệ người dân tiếp cận vào các sản phẩm tài chính đều tỷ lệ thuận với dân trí tài chính và thu nhập.
Tuy vậy, đợt khủng hoảng năm 2022 đã làm chậm lại quá trình tăng lớp bảo vệ đối với tài chính của người dân, khiến bức tranh tài chính toàn diện đang là vấn đề rất lớn.
Theo như quan sát, trong 10 năm trở lại đây, các thông điệp về truyền thông thường được các ngân hàng hướng về câu chuyện thẻ tín dụng là giải pháp và là một công cụ của thanh toán.
Thẻ tín dụng có những chương trình khuyến mãi về tiêu dùng, ăn uống, du lịch; rút tiền mặt từ thẻ; phí chuyển đổi ngoại tệ hoặc trả góp không kế hoạch. Mặc dù các chương trình trên mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng điều này đang thúc đẩy hiện tượng lạm chi đang tiềm ẩn bên trong. Ngoài ra, việc thúc đẩy thanh toán, thúc đẩy chi tiêu sẽ đi kèm với nợ xấu nếu như không thay đổi hành vi và nhận thức về tài chính trong tiêu dùng.
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: Tô Thế |
Trước những vấn đề đang hiện hữu về thẻ tín dụng, ông Huấn đề ra 3 giải pháp nhằm thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng và sử dụng thẻ tín dụng nội địa một cách bền vững và hiệu quả cho tất cả các bên tham gia.
Thứ nhất, cần phổ cập tài chính cá nhân - quản lý chi tiêu. Ông Huấn cho biết, việc nâng cao dân trí tài chính không chỉ cho người dân mà còn cho cả cán bộ bán của ngân hàng.
Thứ hai, hiểu đúng và đủ chức năng của thẻ tín dụng. Theo đó, các chương trình thúc đẩy thẻ cần lành mạnh, tránh cổ súy cho các hành vi tài chính xấu về lâu dài.
Ông Huấn cho biết, cần hiểu đúng về thẻ tín dụng như nên dùng thẻ tín dụng như thế nào, trả ra làm sao, miễn lãi, còn không miễn lãi thì phí phạt như thế nào.
“Trong khảo sát mà Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam thực hiện, gần 99% người khảo sát ở các phân khúc khác nhau không biết được vấn đề như: dư nợ thanh toán 5 triệu, thanh toán tối thiểu là 100 nghìn, thì nếu thanh toán 4,9 triệu thì họ vẫn sẽ bị tính lãi trên 5 triệu. Và kể cả các cán bộ bán bên ngân hàng, tôi đã khảo sát rất nhiều, cũng không ai thực sự nắm được cách tính lãi của thẻ tín dụng” - ông Huấn thông tin.
>> Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?
Thứ ba, cần minh bạch các điều khoản sử dụng thẻ. Cụ thể, các đơn vị phát hành thẻ cần truyền thông minh bạch và đầy đủ các chính sách điều khoản về sử dụng thẻ, cách tính lãi, phát lãi…
“Chúng ta cần minh bạch và có những chiến lược truyền thông, ví dụ như thẻ tín dụng nội địa, cần hướng về câu chuyện xây dựng bức tranh tài chính, quản lý chi tiêu, là một nguồn vay tối ưu cho gia đình bạn. Chứ không phải là câu chuyện về đánh golf và câu chuyện đi ăn nhà hàng” - ông Ngô Thành Huấn thông tin.