Ngắm loạt toà nhà ốp kín mặt tiền bằng pin điện mặt trời
550 Spencer ở West Melbourne là tòa nhà đầu tiên của Úc tự tạo ra điện thông qua tấm pin mặt trời ốp mặt tiền. Trên thế giới, ngày càng nhiều tòa nhà áp dụng thiết kế mới này.
Công nghệ này thay thế các tấm pin truyền thống trên mái nhà, giải phóng không gian cho một khu vườn trên sân thượng.
Tòa nhà 8 tầng có 1.182 tấm pin quang điện trên mặt tiền, thu thập ánh sáng mặt trời và chuyển thành điện. Hệ thống này thu được năng lượng nhiều hơn 50 lần so với các tấm pin mặt trời trên mái nhà tại các khu dân cư.
Các cửa sổ hướng về phía nam để giảm lượng nhiệt mặt trời hấp thụ, tối ưu hóa tiềm năng của hệ thống. Điện tạo ra được sử dụng ngay lập tức, giúp giảm nhu cầu lưu trữ điện và đảm bảo không phát thải carbon.
Theo thông tin công bố, tòa nhà tiết kiệm được khoảng 70 tấn khí thải carbon hàng năm và đạt được xếp hạng hiệu quả năng lượng.
Điện mặt trời từ mặt tiền các tòa nhà từng được một số dự án áp dụng. Trường Quốc tế Copenhagen ở Đan Mạch có mặt tiền năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Hơn 12.000 tấm pin mặt trời, được tích hợp trực tiếp vào cấu trúc và kính của tòa nhà.
Các tấm pin mặt trời được thiết kế có màu xanh lá giúp phản chiếu những thay đổi về ánh sáng đồng thời mang lại mặt tiền đẹp mắt. Hệ thống điện mặt trời này đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng của nhà trường (khoảng 300 MW/giờ mỗi năm).
La Seine Musicale (Pháp) cũng là công trình kiến trúc có sử dụng tấm pin mặt trời mặt tiền. Được thiết kế bởi KTS Shigeru Ban, nhà hát La Seine Musicale có thiết kế ấn tượng, trên đảo Ile Seguin gần vùng ngoại ô phía tây của Paris
Hội trường âm nhạc hình trứng, được bao bọc trong giàn khung gỗ hình tổ ong và kính. Khán phòng được che chắn bởi một bức tường hình cánh buồm gồm các tấm pin mặt trời, di chuyển theo đường đi của mặt trời để che chắn bên trong khỏi ánh nắng trực tiếp suốt cả ngày.
Theo các chuyên gia, công nghệ quang điện tích hợp trong tòa nhà (BIPV) có thể đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. BIPV có thể tích hợp vào các thành phần của tòa nhà như tấm ốp bên ngoài, mái nhà hay cửa sổ.
Hiệu quả của BIPV không chỉ tính bằng kw/m2 mà còn liên quan tới vật liệu và tác động tới môi trường bên trong ngôi nhà. BIPV khác so với điện mặt trời thông thường do được tuỳ chỉnh nhiều hơn.
Thị trường quang điện tích hợp trong tòa nhà vẫn chưa được khai thác đáng kể do lo ngại về hiệu suất và an toàn, cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thiết kế, lắp đặt và bảo trì hệ thống pin mặt trời.