Tài chính Ngân hàng

Ngân hàng 'bơm' gần 1,1 triệu tỷ đồng cho vay lĩnh vực bất động sản TP. HCM

Hà Anh 10/04/2025 - 09:46

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng như trên là tích cực.

Tại Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra ngày 9/4 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Con số này chiếm khoảng 28% tổng dư nợ toàn địa bàn và tăng 1,15% so với cuối năm 2024 – cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung trong 2 tháng đầu năm.

Riêng mảng cho vay nhà ở ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, trong tháng 1/2025, tín dụng nhà ở tăng 0,51%; tháng 2/2025 tăng 0,16%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng như kể trên là tích cực, có tác động thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở.

Cụ thể, tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, cho vay mục đích để ở chiếm tỷ trọng cao nhất (66% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn), chứng tỏ người dân có nhu cầu vay vốn và đã tiếp cận khá tốt nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Tín dụng nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở khác…) đạt trên 600.000 tỷ đồng, tăng 7,39% so với cùng kỳ cũng củng cố lập luận này.

Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ hiện nay có tốc độ tăng trưởng tốt và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản chung. Trong đó, cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất đạt đến cuối tháng 2/2025 đạt khoảng 56.550 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2024; cho vay xây dựng, sửa chữa, đầu tư phát triển nhà hàng khách sạn, khu du lịch, sinh thái và nghỉ dưỡng đạt 28.068 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ.

“Dư nợ bất động sản đang tăng trưởng phù hợp với sự tăng trưởng và phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch, gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Sự tăng trưởng này có hiệu ứng tích cực và mang ý nghĩa toàn diện, giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, chỉ tính riêng mảng tín dụng ngân hàng thì các chính sách tín dụng dành cho bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng của ngành Ngân hàng hiện nay có thể xem là “chấp nhận được” và đang được “rót” đúng vào các nhu cầu mang tính thị trường.

Ông Phước cho rằng, mặc dù còn khá nhiều lo ngại liên quan đến vấn đề tài trợ vốn tín dụng dài hạn đối với dự án bất động sản, hạ tầng, thương mại các phân khúc, loại hình bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu đối với cho vay bất động sản cần tiếp cận cởi mở hơn để thị trường tự điều chỉnh.

“Vấn đề then chốt để tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn cho thị trường bất động sản là phải phối hợp được các cơ chế, giải pháp tài chính, huy động vốn ngoài tín dụng; triển khai áp dụng sớm thực tế các cơ chế đặc thù về trung tâm tài chính, hoàn thiện nhanh chóng các pháp lý liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, huy động xã hội hóa, hợp tác công tư”, ông Phước nhìn nhận.

>> Ngân hàng 'bơm' gần 615.000 tỷ đồng ra nền kinh tế quý I/2025, dư nợ tín dụng xác lập mức kỷ lục mới

Chủ tịch Trần Hùng Huy: Dư nợ cho vay bất động sản dưới 20%, ACB chưa phát sinh nợ xấu mảng này

Ngân hàng 'bơm' gần 615.000 tỷ đồng ra nền kinh tế quý I/2025, dư nợ tín dụng xác lập mức kỷ lục mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-bom-gan-11-trieu-ty-dong-cho-vay-linh-vuc-bat-dong-san-tp-hcm-286258.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng 'bơm' gần 1,1 triệu tỷ đồng cho vay lĩnh vực bất động sản TP. HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH