Ngân hàng đề xuất chiến lược đột phá để khơi thông 'mạch máu' tín dụng

01-12-2023 12:07|Dương Lam

Đại diện các ngân hàng đề xuất chiến lược đột phá để khơi thông 'mạch máu' tín dụng cuối năm 2023.

Ngân hàng đề xuất chiến lược đột phá để khơi thông 'mạch máu' tín dụng
Các ngân hàng đề xuất chiến lược đột phá để khơi thông 'mạch máu' tín dụng

Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và đại diện các ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.

Công ty tài chính đối mặt với thách thức với bùng nợ

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.

Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.

Các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại đều thừa nhận "thích cho vay" bởi không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là "bài toán khó".

Theo lãnh đạo các ngân hàng, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.

Đại diện TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… đều cho rằng để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc "không thể vỗ tay bằng một bàn tay".

Do đó, để khơi thông "mạch máu" tín dụng, đại diện các ngân hàng này đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư.

Chính phủ gửi công văn hỏa tốc họp khẩn Ngân hàng Nhà nước và các NHTM

Nóng: Chính phủ gửi công văn hỏa tốc họp khẩn với loạt doanh nghiệp Vingroup, Masan, FPT, Sungroup...

Thủ tướng ra công điện gửi Thống đốc NHNN về điều hành lãi suất, tín dụng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-de-xuat-chien-luoc-dot-pha-de-khoi-thong-mach-mau-tin-dung-213531.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng đề xuất chiến lược đột phá để khơi thông 'mạch máu' tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH