Ngành học hấp dẫn nhất của thế kỷ 21, thu nhập có thể đạt gần 100 triệu đồng/tháng

09-12-2022 08:21|Thúy Nga

Phân tích kinh doanh là một trong những ngành nghề hứa hẹn tiềm năng trong vài năm tới.

"Phân tích kinh doanh là ngành học 'quyến rũ' nhất thế kỷ 21", đó là nhận định của Harvard Business Review - Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới dành cho doanh nhân và các nhà quản trị doanh nghiệp. Nhận định này được đưa ra là hoàn toàn có cơ sở khi Phân tích kinh doanh là nghề đứng đầu trong số 25 nghề nghiệp tốt nhất, đứng thứ 16 về mức lương trung bình.

Tại Việt Nam, theo thống kê, nhu cầu nhân lực cho vị trí Phân tích kinh doanh tăng vọt vào năm 2020, gấp 6 lần so với 5 năm trước. Và dự báo 5 năm tới, tỷ lệ này tiếp tục tăng cao hơn nữa. Chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp và phát triển sự nghiệp của ngành Phân tích kinh doanh vô cùng rộng mở.

 Ngành học của thời đại 4.0

huong-nghiep-40-chuyen-gia-phan-tich-tai-chinh-1.jpg

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi hoàn toàn các hoạt động quản lý kinh doanh như các kênh và phương thức huy động, phân phối vốn, phương thức tiếp cận vốn, cách tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối, tích hợp với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ nhằm làm hài lòng khách hàng, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến và từng bước làm giảm dần vai trò của các chi nhánh, sự xuất hiện của các loại tiền ảo như: Bitcoin, Libra, Etherum… Sự phát triển này dẫn đến sự ra đời của dữ liệu lớn và ngành khoa học dữ liệu.

Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích hành vi khách hàng sẽ là xu hướng tương lai cho thời đại công nghệ số khi có thể thu thập dữ liệu bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng, tiết giảm chi phí và hỗ trợ cho các quá trình ra quyết định.

Những năm gần đây, các tổ chức và doanh nghiệp ngày càng nhận rõ tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin đối với việc ra các quyết định kinh doanh. Việc này đòi hỏi tổ chức và doanh nghiệp cần đội ngũ nhân lực có khả năng phân tích và phát huy được sức mạnh của dữ liệu trong hỗ trợ ra quyết định, đề xuất định hướng phát triển của tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang rất thiếu hụt đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này.

Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành Phân tích kinh doanh đã được ra đời và được đưa vào đào tạo tại một số trường đại học.

Kỹ năng cần có để trở thành chuyên viên Phân tích kinh doanh

Phân tích kinh doanh là một ngành có sự kết hợp giữa thống kê học, toán học, kinh tế, tài chính, khoa học máy tính, tiếp thụ,… liên quan đến các kỹ thuật và phương pháp nhằm khai thác thông tin, chuyển đổi các dữ liệu thành thông tin có ích. Điều này giúp các doanh nghiệp, tổ chức ra quyết định, hoạch định chiến lược, vận hành các hoạt động, xác định kế hoạch và sử dụng tối ưu nguồn dữ liệu.

Để trở thành chuyên viên Phân tích kinh doanh, sinh viên cần rèn luyện cho mình những kỹ năng:

- Kỹ năng kỹ thuật: Kỹ năng này bao gồm việc quản lý các bên liên quan, mô hình hóa dữ liệu và kiến thức IT.

- Kỹ năng phân tích: Chuyên viên phải phân tích một lượng lớn dữ liệu và các quy trình kinh doanh khác để hình thành ý tưởng, khắc phục sự cố.

- Kỹ năng giao tiếp: Các chuyên viên phải truyền đạt ý tưởng theo cách dễ hiểu cho người nghe.

- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Trách nhiệm chính của chuyên viên là đưa ra giải pháp thiết thực cho các vấn đề mà tổ chức gặp phải.

- Kỹ năng nghiên cứu: Các chuyên viên phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về quy trình và phần mềm mới để đưa ra kết quả có hiệu quả.

- Kỹ năng xây dựng mối quan hệ: Khả năng tạo dựng các mối quan hệ giữa những bên liên quan là điều rất quan trọng. Khi đó, bạn có thể dễ dàng tạo điều kiện tốt hơn để phát triển công việc của mình.

Ngành học mới, cơ hội việc làm rộng mở

Thực tế cho thấy, chuyên viên Phân tích kinh doanh có cơ hội việc làm trong rất nhiều lĩnh vực như: Bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ công, tiêu dùng,…

Với kỹ năng công nghệ thông tin, thành thạo ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Phân tích kinh doanh có thể làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế. Một số vị trí sinh viên có thể đảm nhận sau khi ra trường là:

- Chuyên viên công nghệ và phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên lập trình phân tích dữ liệu, cán bộ quản lý kinh doanh, chuyên viên chiến lược kinh doanh, chuyên viên tư vấn Phân tích kinh doanh, chuyên viên nghiên cứu và phân tích thị trường.

- Chuyên viên thu thập, xử lý dữ liệu từ các nguồn dữ liệu khác nhau cho các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường.

- Chuyên gia hoạch định chính sách và phân tích dữ liệu kinh tế tại các cơ quan quản lý của Nhà nước, chuyên viên phân tích và dự báo thuộc các bộ - ban - ngành hoặc các viện nghiên cứu.

- Tham gia giảng dạy và nghiên cứu về khoa học dữ liệu ở những trường đại học hoặc viện nghiên cứu.

- Startup về lĩnh vực phân tích dữ liệu hoặc cơ sở đào tạo các khóa học ngắn hạn về phân tích và khai thác dữ liệu trong kinh doanh.

- Chuyên gia phân tích nhân sự của các doanh nghiệp và tập đoàn trong và ngoài nước.

Vì là một vị trí khá mới tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp vẫn đang đưa ra mức lương hấp dẫn cho vị trí chuyên viên Phân tích kinh doanh. Mức lương của vị trí này này như sau:

- Mức lương của người mới ra trường đến dưới 1-2 năm kinh nghiệm: 10-15 triệu đồng/tháng.

- Mức lương của chuyên viên có kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm làm việc từ 2-3 năm: 15-20 triệu đồng/tháng.

- Mức lương của chuyên viên có kinh nghiệm từ 3-6 năm: 20-40 triệu đồng/tháng.

- Mức lương của nhân sự cấp cao đã có hơn 7-8 năm kinh nghiệm: 40-60 triệu đồng. Đôi khi có thể đạt ngưỡng 90 triệu đồng đối với vị trí Giám đốc tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngành học hấp dẫn nhất của thế kỷ 21, thu nhập có thể đạt gần 100 triệu đồng/tháng
    POWERED BY ONECMS & INTECH