Tính đến tháng 1/2023, nước này ghi nhận mức lạm phát lên tới 230%, thế nhưng chỉ số chứng khoán vẫn tăng bốc 600% trong năm nay.
Sự trượt dài của đồng ZWL (đô la Zimbabwe) bắt đầu từ những năm 2000, khi chính quyền cựu tổng thống Robert Mugabe cho in tiền ồ ạt để cứu vãn nền sản xuất nông nghiệp đang tuột dốc không phanh.
Đến năm 2009, Chính phủ Zimbabwe quyết định từ bỏ đồng tiền nội địa và chuyển sang sử dụng đồng USD. Nhờ chính sách này, kinh tế tiền tệ Zimbabwe trải qua một giai đoạn ổn định.
Thế nhưng vào năm 2019, do không thể đáp ứng nhu cầu đồng USD, chính phủ nước này lại sử dụng đồng đô la Zimbabwe.
Đồng tiền mới lập tức mất giá không phanh. Lạm phát năm 2019 của Zimbabwe đạt 255%, đến năm 2020 tăng vọt lên 557%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Đến tháng 1/2023, nước này ghi nhận mức lạm phát lên tới 230%, buộc người dân tìm mọi cách để bảo vệ tiền tiết kiệm khỏi sự mất giá của tiền tệ.
Điều này dẫn đến tình trạng tăng bốc chỉ số chứng khoán lên đến 600% trong năm nay, những nhà giao dịch địa phương kiếm thêm nhiều lợi nhuận hơn do có ít tài sản thay thế hơn để mua.
Các nhà đầu tư ở Zimbabwe thường chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu để tránh khỏi các cuộc khủng hoảng về tiền tệ và siêu lạm phát. Trong tình huống như vậy, chứng khoán là công cụ tiếp cận dễ dàng nhất và có thể giữ được giá trị tốt nhất.
Vào ngày 6/6, sàn giao dịch chứng khoán tại thủ đô Harare đã tạm ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn khi chỉ số chung tăng vọt và vượt qua giới hạn 10%. Đây là lần thứ hai sự việc này xảy ra sau lần gần nhất vào tháng 4.
“Thị trường hiện có một lượng thanh khoản lớn, đó là nguyên nhân cho đợt tăng giá mạnh. Tỷ giá hối đoái đang đi theo một chiều và chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn”, theo Giám đốc Thedias Kasaira thuộc công ty môi giới Imara Edwards - công ty môi giới có tuổi đời lâu nhất tại Zimbabwe.
Trong tháng 5 vừa qua, đồng nội tệ của Zimbabwe đã giảm gần 60%. Hiện tại, tỷ giá là 1 USD đổi được 3.673 đô la Zimbabwe. Tuy nhiên, trên thị trường chợ đen, tỷ giá dao động từ 3.900 đến 4.300 đô la Zimbabwe.
Chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm của tiền tệ bằng cách phát hành đồng tiền vàng vào năm 2022 như một kho lưu giữ giá trị.
Đồng tiền "Mosi-oa-tunya" - được đặt theo tên của thác nước Victoria - cho phép người tiêu dùng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt để giao dịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, Zimbabwe còn sử dụng loại tiền kỹ thuật số được hậu thuẫn bằng vàng.
Theo Giám đốc Kasaira, những tài sản này thường được sử dụng bởi các nhà quản lý quỹ hưu trí và những người đầu tư dài hạn hơn là bởi người dân Zimbabwe.
Chuyên gia: Lạm phát sắp bùng nổ, đe dọa nhấn chìm thị trường chứng khoán
Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm