Xã hội

Ngày 17/9, tiểu hành tinh 'có khả năng gây nguy hiểm', kích cỡ ngang tòa nhà chọc trời sẽ lao qua Trái Đất với vận tốc gần 32.000km/h

Vĩ Hạ 16/09/2024 - 23:13

Khi tiếp cận gần nhất, tiểu hành tinh sẽ cách Trái Đất khoảng 0,62 triệu dặm (1 triệu km).

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa thông báo về một tiểu hành tinh có kích thước bằng một tòa nhà chọc trời, được xếp vào loại "có khả năng gây nguy hiểm" đang tiến gần Trái Đất.

Theo NASA, tiểu hành tinh này mang tên 2024 ON, sẽ bay gần Trái đất vào ngày 17/9. Tiểu hành tinh có đường kính ước tính từ 220-480m và sẽ bay vụt qua hành tinh của chúng ta với vận tốc 31.933km/h, tương đương khoảng 26 lần tốc độ âm thanh.

Ở thời điểm gần nhất, 2024 ON sẽ cách Trái Đất khoảng 1 triệu km, tương đương 2,6 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Mặc dù đây là một khoảng cách cực kỳ nhỏ theo tiêu chuẩn vũ trụ, nhưng nó vẫn đủ xa để không gây ra bất kỳ mối lo ngại nào về nguy cơ va chạm.

tieu-hanh-tinh-va-vao-trai-dat.png
Tiểu hành tinh 2024 ON sẽ bay vụt qua Trái đất với tốc độ gấp khoảng 26 lần vận tốc âm thanh vào ngày 17/9. Ảnh minh họa

NASA xác định bất kỳ vật thể vũ trụ nào tiếp cận Trái Đất trong phạm vi 193 triệu km đều được xếp vào danh sách "vật thể gần Trái Đất", những vật thể có khoảng cách dưới 7,5 triệu km được liệt kê là "có khả năng gây nguy hiểm". Tuy nhiên, 2024 ON vẫn sẽ di chuyển an toàn mà không gây ra bất kỳ sự đe dọa nào cho chúng ta.

Hiện tại, NASA đang theo dõi gần 28.000 tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời thông qua Hệ thống Cảnh báo tác động tiểu hành tinh (ATLAS), bao gồm 4 kính viễn vọng có khả năng quét toàn bộ bầu trời mỗi 24h. NASA đã tính toán quỹ đạo của các tiểu hành tinh gần Trái Đất cho đến cuối thế kỷ này và cho biết Trái Đất sẽ không đối diện với bất kỳ vụ va chạm nào có khả năng gây nguy hiểm trong ít nhất 100 năm tới.

Dù tiểu hành tinh 2024 ON không gây lo ngại ngay lúc này nhưng NASA vẫn thận trọng với các khả năng tiềm tàng. Trong trường hợp tiểu hành tinh này va vào Trái Đất, nó sẽ không gây ra sự kiện thảm khốc như vụ va chạm với tiểu hành tinh rộng 12km cách đây 66 triệu năm - dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long. Tuy nhiên, tác động của một vụ va chạm nếu xảy ra sẽ vẫn đủ để gây ra thiệt hại đáng kể.

Một ví dụ điển hình là vụ nổ thiên thạch trên bầu trời Chelyabinsk, Nga vào năm 2013. Thiên thạch rộng 18m này đã tạo ra một vụ nổ tương đương với 400-500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 26-33 lần quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản. Sự kiện này đã khiến khoảng 1.500 người bị thương, phần lớn do kính vỡ từ các tòa nhà.

Để chuẩn bị cho các tình huống, hiện các cơ quan vũ trụ trên toàn cầu đang nghiên cứu các phương pháp làm chệch hướng tiểu hành tinh nếu nó có khả năng va vào Trái Đất. Các giải pháp này sẽ giúp bảo vệ hành tinh khỏi các nguy cơ từ không gian và đảm bảo an toàn cho loài người trong tương lai.

>> Phát hiện tiểu hành tinh nhỏ 'xâm nhập' khí quyển Trái đất, nổ trên vùng biển Philippines

Trung Quốc đề xuất hệ thống phòng thủ hạt nhân đối phó tiểu hành tinh, cần được trang bị tên lửa

Phát hiện tiểu hành tinh nhỏ 'xâm nhập' khí quyển Trái đất, nổ trên vùng biển Philippines

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngay-17-9-tieu-hanh-tinh-co-kha-nang-gay-nguy-hiem-kich-co-ngang-toa-nha-choc-troi-se-lao-qua-trai-dat-voi-van-toc-gan-32000km-h-d133202.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Ngày 17/9, tiểu hành tinh 'có khả năng gây nguy hiểm', kích cỡ ngang tòa nhà chọc trời sẽ lao qua Trái Đất với vận tốc gần 32.000km/h
POWERED BY ONECMS & INTECH