Ngày mai, Việt Nam chính thức khởi công siêu cầu hơn chục nghìn tỷ có 'bóng dáng' của Vingroup
Siêu cầu hơn 15.000 tỷ do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư sẽ chính thức khởi công vào ngày mai 19/5, ngày đặc biệt của dân tộc - mừng 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Siêu cầu hơn 15.000 tỷ do Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư sẽ chính thức khởi công vào ngày mai 19/5, ngày đặc biệt của dân tộc - mừng 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) cho biết hiện nay đơn vị đang hoàn thành các thủ tục để TP tiến hành khởi công cầu Tứ Liên vào ngày mai 19/5.
Như vậy, thay vì khởi công cùng lúc 2 cây cầu bắc qua sông Hồng là cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo vào dịp 19/5, TP. Hà Nội sẽ chỉ khởi công cầu Tứ Liên vào tháng 5 này, cầu Trần Hưng Đạo sẽ được lùi đến dịp 2/9.
Theo Ban giao thông Hà Nội, trong quá trình chuẩn bị các bước để đầu tư xây dựng các cây cầu vượt sông Hồng, hiện nay chỉ có cầu Tứ Liên là cầu duy nhất hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị đầu tư.

Đơn vị đang hoàn chỉnh báo cáo cùng các hồ sơ đi kèm để trình TP thực hiện theo đúng kế hoạch.
Theo phương án được phê duyệt, cầu Tứ Liên sẽ vẫn giữ được nguyên phương án thiết kế kiến trúc dây văng, trụ dài hình xoắn.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, với số vốn đầu tư, phương án xây dựng mới nhất giúp giảm từ 3.000 - 4.000 nghìn tỷ đồng so với dự toán hơn 19.000 tỷ đồng trước đó. Dự án sẽ được triển khai thi công trong giai đoạn 2025-2028.
Dự án cầu Tứ Liên đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020. Thời gian qua, UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) làm đầu mối, phối hợp cùng Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án cầu Tứ Liên và tuyến đường nối từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, toàn bộ tuyến từ nút giao Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đến nút giao với đường Vành đai 3 (thuộc cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên) có tổng chiều dài khoảng 11,5 km. Trong đó, phần cầu Tứ Liên dài khoảng 2,9 km, bao gồm cầu chính dài 1km vượt sông Hồng.
Cầu được thiết kế theo quy hoạch với mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn dành cho người đi bộ. Nhịp chính của cầu vượt qua sông Hồng, kết nối khu vực bờ Tây (dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm, qua địa bàn các phường Yên Phụ, Tứ Liên thuộc quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng (thuộc địa bàn huyện Đông Anh).

Theo đánh giá của TP. Hà Nội, đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, việc khởi công các dự án cầu vượt sông Hồng được xem là "bước thử" để TP đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025.
Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông kết nối qua sông Hồng, giúp thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực và làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, làm giảm áp lực giao thông trong khu vực Trung tâm TP và giảm tải cho các cầu như Chương Dương, Thăng Long hay cầu Vĩnh Tuy.
Đồng thời, cầu Tứ Liên cũng từng bước hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội nhằm đảm bảo cho an ninh, quốc phòng của Thủ đô cũng như phát triển không gian đô thị hiện đại khu vực 2 bên sông Hồng.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).