Ít ngày nữa, cây cầu dây văng nghìn tỷ mang hình búp sen, sở hữu tên cổ của TP. Nam Định sẽ khánh thành
Cầu gồm 16 nhịp, tổng chiều dài 1,6km, trong đó, phần cầu chính vượt sông Đào dài 0,8km, mặt cắt ngang rộng 20,5m.
Theo Báo Xây dựng, các hạng mục chính của dự án cầu Thiên Trường hiện đã cơ bản hoàn thành.
Đơn vị thi công đang tiến hành kiểm tra, rà soát các hạng mục phụ trợ như lắp đặt biển tên cầu, dọn dẹp vệ sinh công trường, chuẩn bị cho lễ khánh thành dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới.
Cầu Thiên Trường được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc mới của TP. Nam Định, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực hai bên bờ sông Đào.
> > Cây cầu dây văng nghìn tỷ bắc qua sông Đào sẽ mang tên cổ của TP. Nam Định

Được biết, dự án cầu Thiên Trường có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, do UBND TP. Nam Định làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn ngân sách tỉnh và nguồn thu từ các khu tái định cư, khu đô thị.
Công trình được khởi công ngày 15/10/2022 và hợp long vào ngày 16/12/2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến độ thi công.
Cầu gồm 16 nhịp, tổng chiều dài 1,6km, trong đó, phần cầu chính vượt sông Đào dài 0,8km, mặt cắt ngang rộng 20,5m, sử dụng kết cấu dầm cáp hỗn hợp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
Về mặt kiến trúc, cầu Thiên Trường nổi bật với hai trụ tháp mang hình búp sen lớn, vươn cao đón nắng - biểu tượng tinh tế gắn liền với bản sắc văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Công trình cũng được trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại: đèn LED 15W gắn tại dầm hộp và đèn LED máng 78W bố trí dọc theo toàn tuyến - hứa hẹn mang đến vẻ đẹp lung linh, rực rỡ vào ban đêm.

Trước đó, Ngày 27/4, HĐND tỉnh Nam Định đã thông qua Nghị quyết "Đặt tên cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, TP. Nam Định" trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh. Theo đó, công trình chính thức được đặt tên là cầu Thiên Trường.
Tên gọi Thiên Trường gắn liền với lịch sử lâu đời của TP. Nam Định. Năm 1262, sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã cho thăng hương Tức Mạc (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) quê hương của các vị vua triều Trần thành phủ Thiên Trường, tiền thân của TP. Nam Định ngày nay.
Tên Thiên Trường cũng được sử dụng để đặt cho nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng, thể thao quan trọng của tỉnh như Đền Thiên Trường, Sân vận động Thiên Trường, đồng thời dự kiến sẽ được đặt cho một phường mới khi tỉnh thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
> > Nam Định sắp hợp long cầu dây văng nghìn tỷ đầu tiên, mở ra trục phát triển mới