Nghị quyết 68: Liên thông dữ liệu ngân hàng, thuế, mở lối cho doanh nghiệp tư nhân
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đặt ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh kết nối thông tin giữa ngân hàng, thuế và các cơ quan quản lý.
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Nghị quyết là yêu cầu kết nối và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan. Mục tiêu nhằm liên thông dữ liệu hoạt động và tài chính doanh nghiệp, phục vụ việc đánh giá tín nhiệm, chấm điểm tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết yêu cầu các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính, chuẩn hóa hệ thống kế toán, kiểm toán cho khu vực kinh tế tư nhân. Việc này giúp tăng uy tín và khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính chính thống.
Trước đó, ngày 20/3/2025, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử. Theo đó, từ 1/6/2025, hàng loạt doanh nghiệp và tổ chức trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt sẽ bắt buộc cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo định dạng chuẩn.
Các tổ chức tín dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cũng sẽ phải cung cấp dữ liệu giao dịch thanh toán khi có yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan thuế – động thái được đánh giá là nhằm phục vụ việc kiểm soát thuế, chống thất thu và hỗ trợ chấm điểm tín nhiệm doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định việc kết nối thông tin tem điện tử cho sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn đồng bộ và kiểm soát nguồn thu hiệu quả hơn.
![]() |
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Nghị quyết là yêu cầu kết nối và chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan liên quan. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ) |
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Nghị quyết 68 là bước ngoặt thứ ba trong tiến trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Trước đó là hai cột mốc quan trọng: giai đoạn 1986–1990 khi kinh tế tư nhân được thừa nhận, và năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp mở đường cho tư nhân gia nhập thị trường.
Ông Hiếu cho biết, Nghị quyết 68 thể hiện ba tư tưởng lớn: giảm phiền hà, tăng mức độ bảo vệ và khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân. Đây là những cam kết mạnh mẽ, thể hiện chuyển biến rõ rệt trong tư duy điều hành.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) khẳng định: để khu vực tư nhân thực sự bứt phá và sánh vai với các tập đoàn quốc tế, cần sớm thể chế hóa Nghị quyết 68 – đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Ngân cho rằng, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần phản ánh đúng tinh thần Nghị quyết, để khu vực kinh tế tư nhân có thể đầu tư mạnh vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu.