Nghiên cứu mới phát hiện mỡ nội tạng có thể dự đoán bệnh Alzheimer trước hàng thập kỷ
Phát hiện này được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ (RSNA) bởi nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa Đại học Washington.
Theo thông tin trên New York Post, một nghiên cứu mới đã phát hiện mối liên hệ giữa mỡ nội tạng – loại mỡ bao quanh các cơ quan quan trọng như tim, gan và dạ dày và sự tích tụ các protein não đặc trưng của bệnh Alzheimer. Loại mỡ này phổ biến ở những người trung niên và được cho là có khả năng cảnh báo nguy cơ mắc Alzheimer từ sớm, thậm chí trước hai thập kỷ so với thời điểm xuất hiện các triệu chứng mất trí nhớ. Phát hiện này được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X quang Bắc Mỹ (RSNA) bởi nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa Đại học Washington.
Bệnh Alzheimer là dạng mất trí nhớ phổ biến nhất. (Ảnh: NY Post)
Tiến sĩ Mahsa Dolatshahi, tác giả chính của nghiên cứu và cộng tác viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện X quang Mallinckrodt (MIR) thuộc Trường Y khoa Đại học Washington ở St. Louis, cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện ra kết quả quan trọng này khi nghiên cứu bệnh lý học của Alzheimer từ rất sớm, ở độ tuổi trung niên khoảng 40-50, khi bệnh vẫn đang trong giai đoạn khởi phát". Bà cũng nhấn mạnh rằng những biện pháp như giảm cân và giảm mỡ nội tạng có thể hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện của bệnh.
Alzheimer là dạng phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ, được đặc trưng bởi sự suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy và học tập. Hiện có gần 7 triệu người Mỹ được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng còn hàng triệu người khác có thể đang sống chung với các triệu chứng mà chưa được chẩn đoán chính thức, làm tăng thêm thách thức trong việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.
Tiến sĩ Dolatshahi và nhóm nghiên cứu tập trung vào mối liên hệ giữa bệnh Alzheimer và các yếu tố có thể thay đổi, như béo phì và sự phân bố mỡ trong cơ thể. Nghiên cứu này bao gồm 80 đối tượng trung niên có nhận thức bình thường, nghĩa là chưa xuất hiện dấu hiệu của chứng mất trí nhớ. Trong số đó, 57,5% được phân loại là béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình là 32,31. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người có BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì, và khoảng 20% người Mỹ đáp ứng tiêu chí này.
Những người tham gia được tiến hành nhiều loại kiểm tra chuyên sâu như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để đánh giá não, chụp MRI cơ thể, kiểm tra chuyển hóa (đo glucose và insulin) và bảng lipid (cholesterol). Đặc biệt, chụp MRI vùng bụng được sử dụng để đo lường thể tích mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da nằm ngay dưới bề mặt da, trong khi mỡ nội tạng nằm sâu hơn, bao quanh các cơ quan và khó nhận thấy bằng mắt thường.
Chụp PET đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện mảng bám amyloid – các cục protein gây tắc nghẽn não và là dấu hiệu sinh học đặc trưng của bệnh Alzheimer, giúp nhóm nghiên cứu đánh giá chính xác nguy cơ tiềm ẩn từ giai đoạn sớm.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng lượng mỡ nội tạng cao có liên quan chặt chẽ đến sự tích tụ amyloid – một loại protein gây tổn thương não, chiếm tới 77% tác động từ chỉ số BMI cao. Tiến sĩ Dolatshahi chia sẻ: "Kết quả cho thấy người có nhiều mỡ nội tạng thường có mức amyloid và tau – 2 protein đặc trưng của bệnh Alzheimer cao hơn trong não".
Kết quả cho thấy người có nhiều mỡ nội tạng thường có mức amyloid và tau cao hơn trong não (Ảnh minh họa)
Ông cũng nhấn mạnh: "Đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh mối liên hệ này ở độ tuổi trung niên, khi các triệu chứng của bệnh Alzheimer vẫn còn nhiều năm nữa mới xuất hiện".
Tiến sĩ Cyrus A. Raji, phó giáo sư X quang tại Viện X quang Mallinckrodt (MIR), nhấn mạnh: "Việc kiểm soát nguy cơ mắc Alzheimer ở người béo phì cần tập trung vào các vấn đề chuyển hóa và lipid, vốn thường phát sinh do lượng mỡ cơ thể cao".
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị rằng việc thay đổi lối sống, đặc biệt là giảm mỡ nội tạng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình phát triển bệnh Alzheimer, đồng thời mang lại nhiều lợi ích sức khỏe lâu dài.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng chế độ ăn Địa Trung Hải – giàu rau củ, trái cây, cá và dầu ô liu – là giải pháp hiệu quả trong việc giảm mỡ bụng và ngăn ngừa suy giảm nhận thức. Ngoài ra, các biện pháp như tập thể dục thường xuyên, tránh tiêu thụ rượu và đảm bảo ngủ đủ giấc cũng được khuyến khích để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer một cách đáng kể.
>> Có thể xác định nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ … bằng điện thoại thông minh