Ngôi chùa trăm tuổi rộng 700m2 do cô của Công tử Bạc Liêu thành lập, chính điện đặt bức hoành phi nặng gần 1 tấn
Ngôi chùa này đã đươc UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích lịch sử năm 2001.
Chùa Giác Hoa (tọa lạc ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã có tuổi đời hơn 100 năm, thờ Phật theo phái Bắc tông. Xung quanh ngôi chùa được bao bọc bởi dòng sông Châu Hưng. Từ Quốc lộ 1 đi vào vài trăm mét, du khách phải qua một cây cầu mới đến được chùa.
Chùa do cô Hai Ngó, cô của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy chủ công xây dựng vào năm 1919 trên diện tích hơn 700m2, kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói, được thiết kế theo lối kiến trúc phương Đông với cửa sổ mái vòm, phía trên trang trí phù điêu, dây leo uốn lượn rất mềm mại kết hợp với nhiều chỉ viền nổi và hồ lô men ngọc. Ngay sau cửa tam quan là chánh điện được kết cấu thành 3 gian rõ rệt, mái được lợp ngói. Trên các góc mái của chánh điện đều trang trí hoa văn dây leo, cuộn tròn cách điệu hình rồng cuộn rất mềm mại và thanh thoát.
Ngôi chùa này được xây dựng theo lối “nội công, ngoại quốc”, kết hợp kiến trúc nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ, được bố trí chặt chẽ, cân đối. Phía trước là Chánh điện, phía sau là sân Thiên tịnh và ngôi nhà Hậu tổ (thờ gia tiên và cô Hai Ngó, người sáng lập ra ngôi chùa).
Hiện nay, ngôi chùa còn có Trường trung cấp Phật học của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu quản lý, đào tạo các ni cô. Sau khi cô Hai Ngó viên tịch ngày 24/4/1951, sư cô Diệu Ngọc trụ trì. Đến năm 1957 giao lại cho đại đức Thiện Quảng trụ trì đến năm 1959. Sau đó giao lại cho Hòa thượng Hồng Minh trụ trì đến năm 1967 thì viên tịch, không có người thay thế trụ trì.
Chùa Giác Hoa hiện có một công trình nổi bật có thể nhìn thấy từ xa đó là tượng Đức Phật Dược Sư cao 33m (tính riêng bức tượng) và cao 44m tính từ mặt đất lên (cả khối nhà thờ). Sư cô trụ trì chùa cho biết, để hoàn thành công trình tượng này phải mất hơn 2 năm và bức tượng Phật Dược Sư có chiều cao như vậy được xem là rất ít ở Việt Nam. Trong khuôn viên chùa ngay trước tượng Đức Phật Dược Sư, còn có rất nhiều cụm tượng Phật rực rỡ sắc màu.
Bên trong khuôn viên chùa còn bắt gặp hình ảnh của Quan Âm Bồ Tát và 4 thầy trò Đường Tăng gắn liền với bộ phim Tây Du Ký. Ngoài ra, còn có hình ảnh một số loài động vật như voi, gấu trúc, khỉ, hươu, chim két, cò... tạo nên một khung cảnh hội tụ vừa tĩnh, vừa động.
Ngoài kiến trúc gỗ độc đáo có thể gọi là độc nhất vô nhị ở Nam Bộ, bên trong còn chứa đựng nhiều hiện vật cổ có giá trị mỹ thuật cao, có niên đại từ năm 1919 trở về trước. Điển hình là bức hoành phi (nặng khoảng 800kg) trên bàn thờ Phật ở Chánh điện được chạm nổi song long và hoa văn dây leo sơn son thếp vàng rất tinh tế. Trên bàn thờ chính của chánh điện còn có nhiều tượng, đặc biệt nhất là bức tượng đồng đúc lộng bộ Cửu Long (chín con rồng) với đường nét sắc sảo. Phía dưới bức tượng này là năm bức tranh phù điêu gốm thể hiện năm vị Bồ Tát đang cưỡi các linh vật.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Và người dân ở các nơi đến cầu tự, tham gia các hoạt động lễ hội thường niên như: rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười, ngày lễ Phật đản…
Từ giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng, năm 2001, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng chùa Giác Hoa là di tích lịch sử cấp tỉnh.