Người có thu nhập từ 17-22 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế TNCN
Trong trường hợp người lao động có thu nhập nhỉnh hơn mức này, ước tính số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại áp dụng cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.
Với mức giảm trừ này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công khoảng 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc khoảng 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc), sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Trong trường hợp người lao động có thu nhập nhỉnh hơn mức nêu trên, ước tính số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Theo cách tính thuế hiện hành, số thuế TNCN phải nộp được xác định theo công thức:
(Tổng thu nhập - bảo hiểm - mức giảm trừ gia cảnh) x tỷ lệ khấu trừ thuế TNCN
Giả sử, một người lao động có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công và phụ cấp là 17 triệu đồng/tháng, có 1 người phụ thuộc. Tổng các khoản giảm trừ được tính như sau:
- Mức giảm trừ gia cảnh: 11 triệu đồng (bản thân) + 4,4 triệu đồng (1 người phụ thuộc) = 15,4 triệu đồng
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: 17 triệu đồng × 10,5% = 1,785 triệu đồng
- Tổng các khoản được giảm trừ: 15,4 + 1,785 = 17,185 triệu đồng
Như vậy, tổng các khoản được giảm trừ cao hơn tổng thu nhập, người lao động này không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp thứ hai, cũng có 1 người phụ thuộc, người lao động này có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công và phụ cấp là 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập chịu thuế được tính như sau:
- Giảm trừ gia cảnh: 11 triệu đồng (bản thân) + 4,4 triệu đồng (một người phụ thuộc) = 15,4 triệu đồng
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: 20 triệu đồng × 10,5% = 2,1 triệu đồng
- Tổng các khoản được giảm trừ: 15,4 + 2,1 = 17,5 triệu đồng
- Thu nhập chịu thuế: 20 - 17,5 = 2,5 triệu đồng
- Số thuế phải nộp theo biểu thuế: 2,5 triệu đồng × 5% = 125.000 đồng
Như vậy, sau khi áp dụng các khoản giảm trừ, số thuế TNCN phải nộp chỉ khoảng 125.000 đồng/tháng, rất nhỏ so với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng.
![]() |
Biểu thuế lũy kế từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế TNCN. Nguồn: Điều 22 Luật Thuế TNCN |
Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện hành không còn phù hợp khi tính thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương và bộ ngành đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nhằm giảm gánh nặng thuế cho người lao động.
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng và 8 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc.
Tỉnh Sơn La đề xuất mức giảm trừ 16 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, 5 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Còn Tỉnh Ninh Thuận đề nghị tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt là 14 triệu đồng/tháng và 6 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh mức giảm trừ gia cảnh nên được điều chỉnh theo từng vùng, miền thay vì áp dụng một mức chung trên cả nước.
Bộ Quốc phòng cũng đề xuất nâng mức giảm trừ lên 17,3 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 6,9 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.
>> Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao nhất 18 triệu/tháng: Người lao động được lợi gì?