Người có tiền án có được tham gia nghĩa vụ quân sự 2025 không?
Tiền án là trường hợp người phạm tội chưa được xóa án tích.
Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ về khái niệm "tiền án". Tuy nhiên, theo Nghị quyết 01-HĐTP năm 1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hết hiệu lực từ ngày 01/07/2016), tiền án có thể được hiểu như sau: "Người đã được xóa án thì không coi là có tiền án".
Do đó, có thể hiểu rằng "tiền án" là trường hợp người phạm tội chưa được xóa án tích.
Theo khoản 1 Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án sẽ được xóa án tích theo quy định từ Điều 70 đến Điều 73 của bộ luật này. Khi được xóa án tích, người đó sẽ được coi như chưa từng bị kết án.
Theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, việc có tiền án không phải là lý do để được tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, nếu công dân có tiền án mà chưa được xóa án tích thì sẽ không đủ điều kiện để đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
- Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Lưu ý: Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp nêu trên, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, nếu vẫn chưa được xóa án tích (tức vẫn còn tiền án), công dân sẽ không được tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi đã hết thời hạn và được xóa án tích, công dân có thể đăng ký nghĩa vụ quân sự và nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, sẽ được nhập ngũ theo quy định.
>> Cấp bậc quân hàm khởi điểm cho tân binh khi đi nghĩa vụ quân sự 2025
Công dân đã lấy vợ có đi nghĩa vụ quân sự không?
5 trường hợp không khám nghĩa vụ quân sự 2025 mà không bị xử phạt