Quốc tế

Người dân Indonesia hưởng lợi từ công viên địa chất toàn cầu

ngaynay.vn 04/10/2023 - 10:17

Tại cụm núi đá vôi lớn thứ hai trên thế giới, nơi có những đỉnh núi cao vút được bao phủ bởi rừng nhiệt đới và những thác nước, cuộc sống của người dân sinh sống trong vùng lõi công viên Maros Pangkep từng suýt chút nữa bị hủy hoại bởi các mỏ khai thác đá.

untitled-6499.png

Ẩn bên trong dãy núi đá vôi là 400 hang động, được mệnh danh là “hộp đen” của nền văn minh, nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy đồ trang sức thời tiền sử, dụng cụ cắt, dấu tay và tranh vẽ hình người nửa thú nửa thú ước tính khoảng 44.000 năm tuổi.

Được ghi danh vào năm 2022, Maros Pangkep cũng là một trong những Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận mới nhất trên thế giới.

Nằm cách thành phố cảng Makassar nhộn nhịp 43km về phía bắc, trên đảo Sulawesi của Indonesia, Công viên địa chất toàn cầu Maros Pangkep còn có tên gọi là Rammang-rammang, nghĩa là “mây” trong ngôn ngữ Makassar do địa hình luôn chìm trong sương mù.

Câu chuyện về việc Rammang-rammang trở thành điểm thu hút du lịch sinh thái thay vì là nơi tọa lạc các mỏ đá vẫn được nhiều người dân bản địa kể mãi.

Quay trở lại năm 2005, khi chính quyền quận Maros cấp giấy phép cho hàng chục công ty khai thác đá cẩm thạch Sulawesi, một loại đá nổi tiếng với hoa văn và màu sắc lấp lánh.

Người dân Indonesia hưởng lợi từ công viên địa chất toàn cầu ảnh 1
Hệ thống hang đá vôi hùng vĩ của công viên Rammang-rammang. Ảnh: Getty

Cùng với một nhà máy xi măng được thành lập ở rìa công viên, ngành công nghiệp khai khoáng dường như đã đánh dấu sự kết thúc cho cảnh quan của Rammang-rammang. Tuy nhiên, có một cuộc đấu tranh đang âm thầm diễn ra.

Nasrul, giống như nhiều người Indonesia chỉ có một cái tên, là một phần của chiến dịch này. Anh hiện là quản lý một nhà khách nhỏ tên là Nasrul House, trên tầng hai căn nhà của bố mẹ mình.

Nasrul House sở hữu 4 chiếc giường, có rèm che, cho thuê với giá 250.000 rupiah (16 USD) mỗi đêm. Các bữa ăn gồm cá, rau và cơm được gia đình Nasrul nấu, du khách sẽ phải dùng chung nhà tắm với gia chủ.

“Vùng núi đá vôi đó rất quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi gọi là Núi Thánh vì linh hồn tổ tiên chúng tôi đang sống ở đó", Nasrul chỉ vào dãy núi cách đó không xa.

Giống như nhiều người hàng xóm của mình, Nasrul ban đầu ủng hộ việc khai thác núi đá vôi.

“Khi các công ty khai thác mỏ đến, họ hứa hẹn việc làm cho tất cả chúng tôi. Tôi nghĩ điều đó là tốt vì lúc đó ở đây không có việc làm", Nasrul cho biết. “Nhưng tôi không hiểu tác động của việc khai thác. Sau đó, tôi được hướng dẫn và bắt đầu hiểu thiên nhiên không chỉ dành cho chúng ta để đập phá và bán, mà còn dành cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, tôi tham gia một nhóm cộng đồng để liên lạc với các chính trị gia, nhận lời khuyên từ các tổ chức phi chính phủ và truyền bá nhận thức trên mạng xã hội".

Sau đó, Nasrul cùng các cộng sự bắt đầu nghĩ cách có thể kiếm tiền mà không cần khai thác núi đá vôi rồi quyết định chọn du lịch sinh thái.

"Nếu hủy hoại thiên nhiên, chúng tôi sẽ không còn gì cả. Nhưng nếu làm du lịch sinh thái, chúng tôi có thể giữ được thiên nhiên và kiếm được tiền", Nasrul nói.

Vào năm 2013, chiến dịch vận động đã có kết quả khi chính quyền quận Maros thu hồi nhiều giấy phép khai thác khác nhau và ban hành lệnh cấm xây dựng các địa điểm khai thác mới. Hai năm sau, khu du lịch sinh thái Rammang-rammang ra đời, thu hút 200 cư dân tham gia bảo tồn, giáo dục, canh tác hữu cơ và phát triển ẩm thực địa phương.

Vào năm 2017, Công viên địa chất Maros-Pangkep đã được chính quyền trung ương ở Jakarta công bố và đơn đệ trình ghi danh Công viên địa chất toàn cầu được gửi lên UNESCO.

Theo số liệu của chính phủ Indonesia, đến năm 2019, số lượng du khách tới công viên đạt đỉnh 50.000 mỗi năm. Hậu COVID-19, lượng du khách quay trở lại lên tới 2.000 người, hầu hết là người Indonesia, đến thăm Rammang-rammang vào mỗi cuối tuần trong mùa khô, từ tháng 6 đến tháng 11.

Người dân Indonesia hưởng lợi từ công viên địa chất toàn cầu ảnh 2
Du khách khám phá công viên Rammang-rammang. Ảnh: Getty

Cách tốt nhất để ngắm nhìn núi đá vôi là di chuyển trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ, các tay chèo sẽ tính phí 200.000 rupiah để đưa khách đi du ngoạn trong 20 phút dọc theo dòng sông cắt ngang khu rừng xanh rậm rạp với nhiều loài chim, khỉ đen và nhiều loài chim khác.

Sau khi đi qua một đường hầm dưới chân vách đá vôi, những chiếc thuyền bước vào một thế giới khác, nơi có những núi đá vôi cao nhất và ấn tượng nhất trong công viên. Được hình thành bởi nước hơn 30 triệu năm và cao tới 100 mét so với mặt đất, những ngọn núi này là minh chứng cho sự hùng vĩ của thiên nhiên.

Cuộc hành trình kết thúc tại Berua, một ngôi làng có 15 gia đình nông dân sinh sống trong những ngôi nhà sàn và bán đồ uống, đồ ăn nhẹ cho du khách.

Những lối đi bằng gỗ trên cao len lỏi qua những cánh đồng lúa xanh ngọc được trồng giữa các núi đá vôi đã khiến Rammang-rammang trở thành điểm đến thu hút người dùng mạng xã hội Instagram.

Các núi đá vôi chiếm diện tích 43.000 ha, nhưng chỉ có 23.000 ha được công viên địa chất bảo vệ. Phần còn lại tiếp tục bị suy thoái do hoạt động khai khoáng.

Thiết bị khai khoáng hạng nặng của 30 mỏ chạy ầm ầm dọc con đường nối Rammang-rammang với các hang động thời tiền sử, trong khi ở hàng trăm hố nhỏ do người dân địa phương dùng dụng cụ cầm tay tạo ra để đẽo đá vôi.

Al Amin, giám đốc điều hành của Walhi Sulsel, một tổ chức phi chính phủ ở Sulawesi, cảnh báo: “Nếu các hoạt động khai thác tiếp diễn, không chỉ khu vực núi đá vôi sẽ bị phá hủy mà cả cộng đồng sẽ phải gánh chịu hậu quả”.

Ông Amin kêu gọi các nhà chức trách chấm dứt việc khai thác tại Rammang-rammang để bảo vệ thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu.

Theo trang web của UNESCO, các chỉ định Công viên địa chất toàn cầu có thời hạn sử dụng là 4 năm, “sau đó chức năng và chất lượng của từng công viên địa chất sẽ được kiểm tra lại kỹ lưỡng trong quá trình tái xác nhận”.

Đối với Nasrul, du lịch sinh thái là giải pháp hữu hiệu nhất cho sinh kế của người dân.

“Du lịch tốt hơn nhiều so với khai thác mỏ. Người dân địa phương có thể làm nghề lái đò, hướng dẫn viên du lịch hoặc mở nhà trọ như tôi. Những người không làm du lịch mà chỉ dựa vào thiên nhiên để sinh tồn có thể câu cá, kiếm ăn trong rừng", Nasrul chia sẻ.

“Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người đến đây hơn và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ núi đá vôi”.

TikTok cử nhân viên đến Indonesia sau lệnh cấm mạng xã hội bán hàng

Indonesia chính thức cấm bán hàng trên TikTok

Tham vọng thương mại điện tử của TikTok gặp cản tại Indonesia

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/nguoi-dan-indonesia-huong-loi-tu-cong-vien-dia-chat-toan-cau-post138998.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Người dân Indonesia hưởng lợi từ công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS & INTECH