Quốc tế

Người dân Mỹ điêu đứng vì lạm phát

Nguyễn Thu 25/05/2024 - 10:19

Người lao động tại Mỹ đang chật vật đối phó với tình trạng lạm phát dai dẳng mặc dù tiền lương đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: CNN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: CNN

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 23/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, “sự gia tăng đáng kể” về chi phí sinh hoạt là một “vấn đề đối với nhiều người dân Mỹ” khi lạm phát chưa được kiểm soát.

Bà Yellen cũng thừa nhận giá nhà ở và hàng hóa hàng ngày vẫn ở mức cao, bất chấp mức lương tăng mạnh trong những tháng gần đây.

“Mặc dù tiền lương đã tăng nhiều hơn mức tăng giá, tuy nhiên, đà tăng phi mã của giá thực phẩm cùng với giá nhà đang trở thành gánh nặng tài chính đối với người dân Mỹ” - Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh thêm.

Theo các chuyên gia, lạm phát cùng với chi phí của các mặt hàng cơ bản như thực phẩm và khí đốt có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người dân Mỹ vẫn hoài nghi vào khả năng phục hồi kinh tế Mỹ trong năm nay, đồng thời cho rằng lạm phạt vẫn là một trong những mối quan ngại lớn nhất.

Theo cuộc thăm dò mới nhất của FT-Michigan Ross, khoảng 43% cử tri tin tưởng vào cách xử lý nền kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump, so với 35% dành cho Tổng thống Joe Biden.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 19% kể từ khi ông Biden nhậm chức, trong đó chi phí của những nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu đều tăng mạnh.

Lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2022 khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù đã giảm mạnh vào năm ngoái nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Hầu hết các nhà kinh tế coi việc tăng giá chủ yếu là một hiện tượng toàn cầu, do tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa liên quan đến đại dịch, cùng với các yếu tố địa chính trị như giá dầu tăng.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ đã được chứng minh là khó khăn hơn so với những quốc gia khác, trong đó thị trường lao động mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới được xem là nguyên nhân chính. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế lại đổ lỗi cho các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ từ cả chính quyền Tổng thống Biden và Trump.

Báo cáo CPI mới nhất cho thấy tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 4 ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với tháng 3. Mức tăng hàng tháng là 0,3%, thấp hơn một chút so với các dự đoán của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, dữ liệu CPI tháng 4 vẫn đang ở mức cao so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

CPI của Mỹ trong tháng 4 hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn nhiều mức mục tiêu 2% của Fed. Ảnh: AP
CPI của Mỹ trong tháng 4 hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn nhiều mức mục tiêu 2% của Fed. Ảnh: AP

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 vừa được công bố trong tuần này, các quan chức Fed đang ngày càng lo ngại hơn về lạm phát và chưa đủ tự tin để tiến tới việc sớm nới lỏng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của Fed - cho rằng những tháng gần đây, tiến trình giảm lạm phát đã suy yếu.

Các quan chức Fed nhận định, nguy cơ lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng nhiệt trong thời gian tới vẫn còn cao do chịu tác động từ các sự kiện địa chính trị trên thế giới.

Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát hàng năm được Fed công bố hôm 21/5 cho thấy gần 2/3 số hộ gia đình ở Mỹ nói rằng tình hình tài chính của họ trở nên tồi tệ hơn vào năm ngoái. Bên cạnh đó, khoảng 1/5 số hộ gia đình đánh giá khả năng thanh toán các hóa đơn chi tiêu hàng tháng ngày càng khó khăn hơn.

Báo cáo về Sức khỏe kinh tế của các hộ gia đình Mỹ năm 2023 của Fed cho biết: “Bất chấp tốc độ lạm phát vừa phải, nhiều người trưởng thành tại Mỹ vẫn nói rằng giá hàng hóa tăng cao là thách thức lớn nhất của họ trong việc quản lý tài chính”.

Khảo sát: Chỉ 28% cử tri tin Tổng thống Biden đã giúp ích cho nền kinh tế Mỹ, ông Trump đang ‘thắng thế’?

Công ty fintech đột ngột phá sản, hàng chục nghìn tài khoản ở Mỹ bị đóng băng

Elon Musk phản đối Mỹ đánh thuế cao xe điện Trung Quốc, gây méo mó thị trường

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-my-dieu-dung-vi-lam-phat.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người dân Mỹ điêu đứng vì lạm phát
    POWERED BY ONECMS & INTECH