Người đàn ông duy nhất Việt Nam sở hữu máy bay chiến đấu MiG-21 huyền thoại và hàng loạt tên lửa, vũ khí quân sự
Người đàn ông này sở hữu hơn 1.000 hiện vật cũ liên quan tới quân sự, trong đó có tiêm kích huyền thoại MiG-21 do Liên Xô sản xuất.
Ẩn mình trong khuôn viên của một nhà máy gạch nằm ở xã Kim Chính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), Bảo tàng Kim Chính là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá từ quá khứ, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Ninh Bình được cấp phép hoạt động. Điều đặc biệt là nó được hình thành và xây dựng bởi những cựu binh, những người từng vào sinh ra tử trên chiến trường.
Dù sở hữu hàng nghìn hiện vật chiến tranh độc đáo, có những hiện vật chỉ thấy ở bảo tàng quân sự, nhưng bảo tàng này vẫn chưa được nhiều người biết đến và chủ yếu mới được người dân địa phương ghé thăm.
Ông Dương Văn Đôn (sinh năm 1965), người đã gây dựng nên Bảo tàng Kim Chính chia sẻ: "Tôi bắt đầu sưu tầm hiện vật từ khoảng năm 2008, tất cả bắt nguồn từ ông và bố của tôi đều là cựu chiến binh và hai cụ cũng có giữ lại một số kỷ vật chiến tranh ngày xưa. Hồi bé, tôi rất thích ngắm nhìn những thứ đó và dần dần khi lớn lên, tôi lại càng đam mê hơn.
Sau này khi công việc ở nhà máy gạch đã ổn định, kinh tế khấm khá hơn thì tôi bắt đầu đi tìm và sưu tầm; mục đích chính là đam mê nhưng sau này tôi nhận ra số hiện vật mà mình sở hữu rất lớn, có thứ quý hiếm..."
Từ vài hiện vật đơn giản ban đầu, đến nay, Bảo tàng Kim Chính đã sở hữu hơn 3.000 hiện vật, được chia làm 3 mảng: hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp và hiện vật thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của bảo tàng là chiếc tiêm kích phản lực MiG-21 do Liên Xô sản xuất, được tài trợ cho Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Chiếc MiG-21 này vẫn còn khá nguyên vẹn, với phần hông gắn vỏ của tên lửa không đối không.
Để đưa chiếc MiG-21 này về Ninh Bình, ông Đôn đã làm thủ tục xin phép từ Bộ Quốc phòng vào năm 2021 và mất 7 ngày để tháo rời từng bộ phận, sau đó mất thêm 1,5 ngày để lắp ráp lại. Ông Đôn cho biết, chiếc máy bay này từng do anh hùng Đỗ Văn Lanh, người cùng quê ông cầm lái nên nó có ý nghĩa đặc biệt.
Bảo tàng trưng bày nhiều loại bom đạn, trong đó có những quả bom nặng tới cả tấn. Tất cả đều đã được lực lượng công binh kiểm tra và cấp phép trước khi trưng bày. Ngoài ra, bảo tàng còn sở hữu hàng loạt tên lửa, ngư lôi, thủy lôi, đạn pháo... được sưu tầm từ các tỉnh từng là chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như Quảng Trị, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh hiện vật chiến tranh, Bảo tàng Kim Chính còn trưng bày nhiều cổ vật quý thuộc các thời kỳ lịch sử trước đây của Việt Nam. Khu trưng bày tiền giấy, tiền đồng qua các thời kỳ của Việt Nam và một số nước trên thế giới, cùng với những tem phiếu thời bao cấp như sổ gạo, tem thực phẩm, giấy chứng nhận sở hữu xe đạp... gợi lên ký ức về thời kỳ bao cấp đầy gian khó.
Ở đây còn có khu trưng bày những hiện vật mang đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ xưa với cối xay lúa, cối đá, giần, sàng… là những đồ dùng trong sinh hoạt của người dân vùng nông thôn Bắc Bộ xưa, mang lại sự thú vị đặc biệt cho những du khách trẻ khi khám phá nét đẹp văn hóa.
Từ một ông chủ lò gạch, kiếm được bao nhiêu tiền ông Đôn lại dùng để đi sưu tầm hiện vật chiến tranh và làm chủ bảo tàng tư nhân như hiện tại. Tâm sự với Báo Dân Trí, ông Đôn tiết lộ mình đang cố gắng sưu tầm thêm xe tăng và một số loại hiện vật khí tài khác để phục vụ người dân đến tham quan.
Tốn nhiều tiền của, công sức để đưa số hiện vật chiến tranh trên về trưng bày, nhưng bảo tàng tư nhân của ông Đôn lại hoạt động miễn phí. Nơi đây mở cửa tất cả các ngày trong tuần mà không thu bất cứ loại phí nào. Trong tương lai, ông Đôn hi vọng có thể chuyển bảo tàng về TP. Ninh Bình, thuận tiện cho nhiều người đến xem hơn.
Choáng ngợp dàn xe tăng, máy bay 'khủng' tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp mở cửa đón khách
Học liên thông lên đại học có được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự 2025?