Người đàn ông kể lại phút thoát khỏi căn nhà bị núi lở đè sập ở Thanh Hoá
Cả gia đình 4 người ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa may mắn thoát chết khi ngôi nhà bị đất đá từ trên núi lở tràn xuống làm đổ sập.
Chiều 24/9, ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), cho biết chính quyền địa phương cùng với người dân đã hoàn thành việc tháo dỡ ngôi nhà của gia đình anh Lò Văn Sỹ (SN 1992, trú tại bản Vặn, xã Yên Thắng) bị đổ sập do sạt lở đất đá trong sáng cùng ngày.
Anh Lò Văn Sỹ cho biết, vào khoảng 17h ngày 23/9, sau khi được chính quyền vận động và tuyên truyền, vợ và hai con của anh đã di chuyển xuống nhà bà ngoại, cách đó khoảng 500m, để ở tạm.
“Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến tôi không thể di chuyển tài sản đi nơi khác. Chiều qua, tôi phát hiện vết nứt ở chân đồi Na Pung dài khoảng 1,5m. Sau khi dọn dẹp tài sản, vợ và hai con của tôi đã xuống ở tạm tại nhà bà ngoại. Tôi có dặn vợ ở lại dọn dẹp một chút rồi sẽ lên ngủ với ông nội,” anh Sỹ chia sẻ.
Theo anh Sỹ, gia đình anh rất may mắn nhờ sự quyết liệt của chính quyền mà cả gia đình mới kịp di dời. "Nếu ở lại, không biết chuyện gì đã xảy ra," anh nói.
Vẫn còn bàng hoàng, anh Sỹ kể lại: “Khoảng 19h20 ngày 23/9, tôi dọn dẹp xong đồ đạc và vừa nổ máy xe thì nghe những tiếng nổ lớn phát ra. Quay lại, tôi thấy đất đá ầm ầm sạt xuống. Trong tích tắc, hơn 100m3 đất đá đã đổ xuống nhà, gây sập".
Theo chính quyền địa phương, gia đình anh Sỹ nằm bên Quốc lộ 16, dưới chân đồi và trong diện có nguy cơ sạt lở.
Trưa 23/9, chính quyền địa phương cùng thôn bản đi tuyên truyền, vận động các hộ dân có nguy cơ sạt lở di dời đến nhà anh em họ hàng để đảm bảo an toàn.
“Nếu các hộ dân không có chỗ an toàn để tránh trú, chúng tôi sẽ bố trí nhà văn hóa, trạm xá và các phòng học tại trường THCS để người dân ở tạm. Địa phương cũng thường xuyên kiểm tra các hộ dân có nguy cơ sạt lở để vận động, di dời đến nơi an toàn,” ông Lê Hữu Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng, cho biết.
Ngay sau khi ngôi nhà của anh Sỹ bị sập do đất đá, lực lượng dân quân và công an đã có mặt tại hiện trường để bảo vệ, không cho ai tiến vào khu vực nguy hiểm.
Được biết, ngôi nhà của anh Sỹ là nhà gỗ, cùng với các công trình phụ trợ, được xây dựng với tổng kinh phí khoảng hơn 400 triệu đồng, mới được sử dụng trong vòng 1 năm.
Thanh Hóa yêu cầu làm rõ việc 'có điện người dân vẫn phải đun bếp củi'
Thanh Hóa sắp có KCN công nghệ thông minh quy mô gần 180ha, trải dài tới 4 xã