Gọi thoại, nhắn tin SMS ngày một ít, trong khi video call và nhắn tin qua app Zalo, Viber đang tăng lên. Thói quen của người dùng di động Việt đã thay đổi.
Trên bình diện chung của ngành viễn thông thế giới, các dịch vụ viễn thông truyền thống như gọi thoại và nhắn tin SMS đang ngày một suy giảm, nhường tỷ trọng lại cho dịch vụ dữ liệu (data).
Từng chiếm tới 90% doanh thu dịch vụ viễn thông của các nhà mạng, thế nhưng tỷ trọng đóng góp của 2 loại hình dịch vụ gọi thoại và nhắn tin SMS hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% và ngày càng giảm dần theo từng năm.
Tại Việt Nam, xu hướng này được phản ánh rõ nét trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, khoảng thời gian thường chứng kiến nhu cầu sử dụng dịch vụ di động tăng mạnh.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính từ đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến hết ngày 13/2/2024 (tức mùng 4 Tết), lưu lượng thoại tại Việt Nam đạt 41,7 triệu Erl (Erlang - đơn vị đo lưu lượng), giảm 13,23% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ lưu lượng thoại giảm, sản lượng thoại quốc tế trong thời gian này đạt khoảng 1,8 triệu phút, giảm 50,46% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu lượng SMS đạt 541 triệu bản tin, giảm 18,09% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2023.
>> Tỷ phú đứng sau ‘đế chế’ TikTok: Đừng gọi tôi là thần tượng
Với dịch vụ dữ liệu, thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, tổng lưu lượng data trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đạt 521 Tb, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ TT&TT, từ những số liệu kể trên, cho thấy xu hướng sử dụng dịch vụ data của người dùng di động Việt đang tăng lên, trong khi đó, các dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang giảm xuống.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Viettel - nhà mạng hiện đang nắm vị trí số 1 về thị phần di động tại Việt Nam cho hay, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, tổng lưu lượng thoại trên toàn mạng lưới của đơn vị này tăng khoảng 10% so với ngày thường và giảm 15% so với dịp Tết Âm lịch năm 2023.
Ở mảng dịch vụ data, theo ghi nhận của Viettel, lưu lượng data ước tính tăng 10% so với ngày thường và tăng 18% so với dịp Tết Âm lịch 2023. Những thay đổi về lưu lượng thoại và dữ liệu cho thấy rõ xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ thoại sang data của người dùng di động Việt.
“Lưu lượng cả 2 dịch vụ thoại và data trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đều tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, so với cùng kỳ những năm trước, lưu lượng thoại giảm và lưu lượng data tăng mạnh”, đại diện Viettel nói.
Từ góc nhìn của mình, đại diện nhà mạng MobiFone cho hay, vào dịp lễ tết, hầu hết nhu cầu sử dụng dịch vụ thoại của người dùng MobiFone sụt giảm mạnh so với ngày thường. Trong đó, theo ghi nhận của MobiFone, khu vực miền Bắc giảm khoảng 10%, khu vực miền Nam giảm khoảng 20%.
Ở chiều ngược lại, do tập trung lượng lớn người lao động từ các khu công nghiệp đổ về quê, những tỉnh miền trung thường có nhu cầu sử dụng data tăng khoảng 10%. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển thuê bao dịp Tết, đồng thời cho thấy thói quen tiêu dùng dịch vụ viễn thông đang thay đổi của người dùng di động.
Theo một chuyên gia của nhà mạng Vietnamobile, trước đây, khi dịch vụ dữ liệu chưa phát triển, hình thức gọi điện hoặc gửi tin nhắn SMS để chúc Tết rất phổ biến tại Việt Nam. Tuy vậy, những năm gần đây, xu hướng chúc Tết qua các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội hoặc các ứng dụng OTT như Zalo, Viber, WhatsApp… ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Vị chuyên gia này cho rằng, sở dĩ có hiện tượng trên bởi các dịch vụ dữ liệu trên nền mạng WiFi hoặc mobile data mang tới sự đa dạng về hình thức cũng như nội dung, ví dụ như các emoji (biểu tượng cảm xúc), sticker (nhãn dán) vui nhộn hoặc các mẫu thiệp chúc mừng năm mới. Điều đó đã tạo ra hành trình trải nghiệm tốt hơn, đồng thời thay đổi thói quen chi tiêu của người dùng di động.
Trước xu hướng mới của ngành viễn thông, các nhà mạng đang chủ động tái cơ cấu và chuyển dần mảng hoạt động của mình sang môi trường số nhằm tạo ra một hệ sinh thái giá trị mới.
>> Tỷ phú đứng sau ‘đế chế’ TikTok: Đừng gọi tôi là thần tượng