Người được Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải làm giỗ, đã qua đời hơn 50 năm: Sáng lập võ phái Tiệt quyền đạo, là 1 trong 100 'nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ XX'
Chủ tịch Nguyễn Viết Hải cho biết, ông luôn ngưỡng mộ tài năng, đạo đức và triết lý của nhân vật này.
Lần hiếm hoi lên tiếng của Chủ tịch Nguyễn Viết Hải
Cách đây không lâu, Fanpage Sơn Hải Group của Tập đoàn Sơn Hải (Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải) đã đăng tải một bài viết từ Chủ tịch Nguyễn Viết Hải.
Trong đó, ông chủ của Tập đoàn này đã chia sẻ hình ảnh tổ chức lễ giỗ Lý Tiểu Long, kèm theo những dòng tâm sự tiếc nuối về một con người tài năng, ra đi giữa lúc đỉnh cao sự nghiệp với nhiều điều còn dang dở.
Nguyên văn bài viết được đăng tải như sau:
"Đến hôm nay, đã tròn 51 năm kể từ ngày 20/7/1973, nhằm ngày 21/6 Âm lịch, Lý Tiểu Long đã ra đi tại thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp và võ thuật. Từ đó đến nay, nhân loại chưa xuất hiện một nhân vật nào đạt đến cảnh giới võ thuật như anh. Để tưởng nhớ nhân vật huyền thoại này, lãnh đạo và người thân Tập đoàn Sơn Hải tổ chức giỗ anh trưa ngày 21/6 năm Giáp Thìn".
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên ông Nguyễn Viết Hải bày tỏ sở thích cá nhân với võ thuật nói chung và lòng ngưỡng mộ đặc biệt dành cho Lý Tiểu Long. Trước đó không lâu, cũng trên Fanpage này, vị Chủ tịch đã chia sẻ cảm xúc của mình liên quan đến huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Ông viết: "Lý Tiểu Long là một huyền thoại. Tôi luôn ngưỡng mộ tài năng, đạo đức, triết lý sống của anh ấy. Tháng 3/2014, tôi đã đến viếng mộ anh và rất may mắn, hạnh phúc được gặp và được giáo huấn võ thuật Triệt quyền đạo từ ông Taky Kimura (võ sư người Nhật - bạn thân Nhất của Lý Tiểu Long), người đã bị Lý Tiểu Long cảm hoá ngay trận đấu đầu tiên. Từ thời điểm đó đến cuối đời, ông ấy theo Lý Tiểu Long và duy trì phát triển môn võ Triệt quyền đạo tại Mỹ sau khi Lý Tiểu Long qua đời".
>> Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải tổ chức giỗ, tưởng nhớ huyền thoại Lý Tiểu Long
Dòng trạng thái này được chia sẻ cùng với nhiều hình ảnh ông Nguyễn Viết Hải chụp ở nơi an táng huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, cũng như khoảnh khắc ông đang trò chuyện với võ sư Taky Kimura.
Là một doanh nhân kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trên truyền thông dù Tập đoàn Sơn Hải có thành tích kinh doanh ấn tượng, những chia sẻ của ông Nguyễn Viết Hải về sở thích cá nhân đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Cuộc đời huyền thoại của Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long (Bruce Lee) sinh ngày 27/11/1940 tại San Francisco (Mỹ), nhưng lớn lên ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ông trở nên nổi tiếng trong thập niên 1970 và trở thành một biểu tượng văn hóa.
Thuở nhỏ, Lý Tiểu Long có thân hình gầy yếu. Khi mới 7 tuổi, ông được cha dạy Thái Cực quyền để rèn luyện sức khỏe. Đến năm 13 tuổi, Lý Tiểu Long bắt đầu học Vịnh Xuân quyền một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của sư phụ Diệp Vấn. Sau đó, ông tiếp tục học nhiều môn võ khác như Hồng quyền, Thiếu Lâm quyền, Tiết quyền, Bạch Hạc quyền...
Không chỉ miệt mài luyện tập võ thuật Trung Hoa, Lý Tiểu Long còn nghiên cứu võ thuật phương Tây. Những kiến thức này đã trở thành nền tảng quan trọng để ông sáng lập nên Triệt quyền đạo (hay còn gọi là Tiệt quyền đạo) sau này.
Năm 1959, Lý Tiểu Long được gia đình đưa về Mỹ. Một năm sau, ông vào đại học. Ngoài việc học chuyên ngành, ông còn dồn tâm huyết vào việc nghiên cứu võ thuật. Trong trường, Lý Tiểu Long thành lập Đội võ Trung Quốc, thường xuyên luyện tập và biểu diễn cùng các thành viên trong đội.
Để quảng bá võ thuật Trung Hoa, vào năm thứ hai đại học, Lý Tiểu Long thuê một góc trong bãi đỗ xe của trường và treo bảng “Chấn Phiên Quốc thuật quán”. Ông vừa khổ luyện võ thuật, vừa giảng dạy cho các học trò.
Lý Tiểu Long bắt đầu sự nghiệp điện ảnh từ rất sớm. Năm 1948, khi mới 8 tuổi, ông đóng vai nhỏ trong bộ phim Phú quý phù vân với nghệ danh Lý Hâm. Đến năm 1950, ông thủ vai chính trong bộ phim Tế lộ tường, đóng vai một trẻ mồ côi và nhận được những đánh giá tích cực cho vai diễn này.
Mùa hè năm 1971, Lý Tiểu Long nhận lời mời của một công ty điện ảnh Hồng Kông và ký hợp đồng đóng hai bộ phim Đường Sơn đại huynh và Tinh võ môn với cát-xê 15.000 USD. Cả hai tác phẩm này đều đạt thành công vang dội tại phòng vé và gây nên cơn sốt mạnh mẽ. Sau đó, ông tiếp tục đóng chính trong các bộ phim như Mãnh long quá giang, Trò chơi tử thần (Tử vong du hý)… Ông cũng hợp tác với Hollywood để thực hiện bộ phim Long tranh hổ đấu.
Sự xuất hiện của Lý Tiểu Long đã làm thay đổi diện mạo phim võ thuật Trung Hoa, mở đường cho người Hoa tiến vào thị trường Hollywood. Tuy nhiên, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp với nhiều kế hoạch điện ảnh quy mô lớn, ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long qua đời tại Hồng Kông, khi chưa đầy 33 tuổi. Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến toàn Hồng Kông và thế giới võ thuật bàng hoàng.
Sinh thời, Lý Tiểu Long từng tự tin viết: “Mục tiêu rõ ràng của tôi là trở thành ngôi sao Đông phương lừng danh có cát-xê cao nhất ở Mỹ. Bắt đầu từ năm 1970, tôi sẽ được cả thế giới công nhận. Đến năm 1980, tôi sẽ có số tài sản 15 triệu USD. Lúc đó tôi và người nhà sẽ sống sung túc, hạnh phúc”.
Năm 1999, Tạp chí Time đã xếp Lý Tiểu Long vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ XX. Mặc dù đã qua đời hàng chục năm, Lý Tiểu Long vẫn nằm trong top 3 nam diễn viên gốc Hoa được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
>> Hé lộ quá khứ của ông chủ Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành đường cao tốc đến 10 năm